Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Siêu Ủy ban" quản lý trên 1 triệu tỷ đồng vốn nhà nước đã sẵn sàng hoạt động

Trương Huyền (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 8 tháng thành lập, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chuẩn bị những công việc cần thiết để sẵn sàng đi vào hoạt động. Dự kiến, "siêu ủy ban" sẽ chính thức ra mắt vào ngày 30/9.

Lễ công bố Quyết định thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Không để DN gián đoạn hoạt động

Sau nhiều năm thảo luận, bàn bạc về việc thành lập Cơ quan đại diện quản lý vốn nhà nước tại DN, vào tháng 1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng (Tổ công tác số 66).

Sang đầu tháng 2/2018, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 09/NQ-CP thành lập Ủy ban này và Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Anh - Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng làm Chủ tịch Ủy ban, Tổ phó Thường trực Tổ công tác số 66.

Trong 8 tháng qua, Tổ công tác với thành viên là lãnh đạo nhiều bộ, ngành đã tích cực xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Uỷ ban để đưa cơ quan trực thuộc Chính phủ này sớm đi vào hoạt động.

Thông tin về quá trình chuẩn bị thành lập, Chủ tịch Uỷ ban Nguyễn Hoàng Anh cho biết, cho đến thời điểm hiện tại đã cơ bản kiện toàn nhân sự, tổ chức của Ủy ban. Trong đó 5 kết quả chính đã được Uỷ ban đạt được trong 8 tháng qua là.

Thứ nhất là cơ bản kiện toàn nhân sự, tổ chức của Ủy ban, trong đó Lãnh đạo Ủy ban trước mắt gồm chức danh Chủ tịch và một Phó Chủ tịch (bà Nguyễn Phú Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Giám sát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư- PV); hoàn thành xây dựng Đề án về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trực thuộc và tổ chức thành lập Hội đồng tuyển dụng để thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy trình, thủ tục tuyển dụng, tiếp nhận 50 biên chế trong năm 2018 và dự kiến năm 2019 sẽ tuyển dụng đủ 150 biên chế có chất lượng đáp ứng khối lượng công việc đề ra. Đồng thời, Ủy ban cũng đã xây dựng và đang tiếp tục kiện toàn đồng bộ công tác Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên theo đúng quy định.

Thứ hai, cơ bản hoàn thành hệ thống các quy chế nghiệp vụ và quản trị nội bộ (khoảng hơn 40 quy chế) để đảm bảo hoạt động Ủy ban ngay sau khi ra mắt.

Thứ ba là hoàn thành xây dựng chuẩn bị kế hoạch hoạt động, xây dựng hệ thống thông tin hiện đại cho quản trị DN.

Thứ tư, chủ động trong công tác chuẩn bị trụ sở, trang thiết bị làm việc và bước đầu đẩy mạnh hợp tác quốc tế hướng chuyên nghiệp. Và cuối cùng là chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, đồng bộ về thể chế pháp lý, quy trình, quy chế, nhân sự, cơ sở vật chất để Uỷ ban sẵn sàng để tiếp nhận các DN, quản lý thông suốt, không để hoạt động của DN bị ảnh hưởng, gián đoạn khi chuyển giao về Ủy ban.

Giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu nhà nước của 19 DN được bàn giao về Uỷ ban này là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản của DN hơn 2,3 triệu tỷ đồng, ước tương đương với khoảng 30% tổng giá trị tài sản nhà nước tại DN.

Ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết công việc cần triển khai ngay sau khi Ủy ban đi vào hoạt động chính thức là hết sức lớn và nặng nề và xác định thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu trong 2 năm tới là chỉ đạo triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2019 của các DN trên cơ cở thúc đẩy ứng dụng, đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, dịch vụ nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững.

Uỷ ban sẽ nghiên cứu, phối hợp với các DN đề xuất với Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý vốn nhà nước và xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển của từng DN phù hợp chiến lược phát triển ngành, nhu cầu của thị trường. Thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại các DN theo các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, Uỷ ban cũng tăng cường công tác quản trị DN, minh bạch hoạt động kinh doanh, điều hành của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN.

 

Khẳng định vai trò của kinh tế nhà nước

Tại phiên họp mới đây của Tổ công tác, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, Uỷ ban đang phải đối mặt với nhiều thách thức để xây dựng bộ máy, cán bộ tinh gọn, hiệu quả, có đủ năng lực quản trị doanh nghiệp theo các chuẩn mực tiên tiến, phòng chốt triệt để thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong khối DN nhà nước.

Kỳ vọng vào hiệu quả hoạt động của Uỷ ban, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết mô hình hoạt động của Uỷ ban như hiện nay nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Đảng, Quốc hội, các chuyên gia kinh tế và cả các tư vấn độc lập như Ngân hàng Thế giới, PNB Paribas (Cộng hoà Pháp),... nhằm tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN, nâng cao hiệu quả, hiệu lực và tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, khẳng định vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

Đồng thời, Uỷ ban sẽ góp phần tham mưu cho Đảng, Chính phủ trong việc cơ cấu, phân bổ lại hợp lý nguồn lực của nhà nước theo cơ chế thị trường, nhằm tối đa hoá hiệu quả sử dụng cho nền kinh tế quốc dân.

Ngày 29/9, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban.

Theo đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN là cơ quan thuộc Chính phủ; được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật. Ủy ban có tên giao dịch quốc tế tiếng Anh viết tắt là CMSC.

Ủy ban có nhiệm vụ xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược tổng thể đầu tư phát triển DN thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch được cấp có thẩm quyền quyết định.

Đồng thời thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giao Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu như sau: Quyết định vốn điều lệ khi thành lập và điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động của DN, trừ các DN do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho DN theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN. 

Cơ cấu tổ chức của Ủy ban

Nghị định nêu rõ Ủy ban có Chủ tịch và không quá 04 Phó Chủ tịch. Chủ tịch và Phó Chủ tịch do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức gồm: Vụ Nông nghiệp; Vụ Công nghiệp; Vụ Năng lượng; Vụ Công nghệ và hạ tầng; Vụ Tổng hợp; Vụ Pháp chế, kiểm soát nội bộ; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng; Trung tâm thông tin.

Nghị định cũng quy định DN do Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu gồm: 

a) Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; 

b) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; 

c) Tập đoàn Điện lực Việt Nam; 

d) Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; 

đ) Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; 

e) Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; 

g) Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam; 

h) Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam;

i) Tổng công ty Viễn thông Mobifone;

k) Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam;

l) Tổng công ty Hàng không Việt Nam;

m) Tổng công ty Hàng hải Việt Nam;

n) Tổng công ty Đường sắt Việt Nam;

o) Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam;

p) Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam;

q) Tổng công ty Cà phê Việt Nam;

r) Tổng công ty Lương thực miền Nam;

s) Tổng công ty Lương thực miền Bắc;

t) Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam;

u) Các DN khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.