Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sim bạc triệu "không cánh mà bay" vì quên quy định của nhà mạng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các hãng viễn thông khẳng định khi áp dụng quy chế mới họ đã gửi thông báo cho đại lý và đăng tải công khai trên website của mình. Vì vậy, chuyện người tiêu dùng bất ngờ khi bị khóa số không nhiều.

Hiểu quy định, đầu tư cả trăm triệu đồng để ôm sim, không ít đại lý vẫn mất nhiều số đẹp bởi quên thời hạn sử dụng sim của nhà mạng. Nhiều người dùng di động cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

 

Mải mê dùng sim Beeline khuyến mãi gói cước tỷ phú, Như Quỳnh quên mình còn 2 chiếc sim của MobiFone và VinaPhone để trong ví. Hơn một tháng trôi qua, Quỳnh mới biết cả 2 chiếc sim này bị khóa dịch vụ. Kiểm tra qua tổng đài, cô được biết, cả 2 chiếc sim đều được sang tên đổi họ cho người khác sử dụng.

Phản ánh với nhà mạng, Quỳnh được biết sim di động mà cô dùng kích hoạt lâu nhưng không phát sinh cuộc gọi, tin nhắn nên theo quy định thuê bao này nằm trong diện bị thu hồi. "Sim VinaPhone tôi đăng ký trả sau, chiếc còn lại là thuê bao trả trước. Tôi không hiểu tại sao cả 2 hình thức này đều bị thu hồi. Cứ yên tâm rằng mình đứng tên chính chủ thì thuê bao thuộc sở hữu của mình. Ai ngờ!", Quỳnh bức xúc nói. Số sim mà Quỳnh bị mất đều thuộc dạng số đẹp, "hàng 9X - chân dài" theo quan niệm của giới trẻ.

Mấy hôm trước mang lô sim đẹp ra kiểm tra, anh Nguyễn Văn Hưng, chủ cửa hàng kinh doanh sim số đẹp trên phố Trần Đại Nghĩa cũng phát hiện ra 20 chiếc trong số đó đã bị thu hồi. Gọi điện lên tổng đài của nhà mạng thắc mắc, anh Hưng mới hay sau một thời gian sim không kích hoạt hoặc để lâu mà không phát sinh cước gọi, nhắn tin nên mới bị như vậy.

Anh Hưng cho biết, trong số sim bị mất có 2 sim tam hoa 8 và một số tứ 5 là giá trị nhất. Tổng thiệt hại lên đến hơn 30 triệu đồng. Thời gian qua thị trường sim đẹp trầm lắng, vắng khách, anh phải xoay sang làm thêm công việc khác nên không có nhiều thời gian để kiểm tra kho sim. Nhiều chiếc sim bị thu hồi đó đều là thuê bao trả sau, đã được chuyển sang trả trước nhưng chưa kích hoạt.

"Định gặp khách mới kích sim để được giá hơn, không ngờ quá thời hạn cho phép. Đầu tư khoản tiền lớn để gom sim, chờ được giá thì bán, cuối cùng mất cả chì lẫn chài", anh Hưng chia sẻ.

Chia sẻ trên diễn đàn sim số đẹp, thành viên thanhkhung1368 cũng bị thu hồi 3 chiếc sim đẹp ngày tháng năm sinh. Sau khi được nhiều người comment rằng chính sách này của các nhà mạng đã được thông báo rộng rãi đến các đại lý, thanhkhung1368 cho biết, người buôn sim quy mô nhỏ như anh không hề hay biết về điều đó. Theo anh, điều này khiến dân buôn sim số lo lắngvì trên sim không bao giờ đề hạn sử dụng như các mặt hàng khác, song lại có nguy cơ bị "hết hạn" bất ngờ nên rất khó lường.

Chị Nguyễn Phương Huyền, chuyên viên trang điểm cho một ảnh viện trên phố Lò Đúc, Hà Nội cũng bất ngờ khi lôi chiếc sim đuôi 1102 ra sử dụng thì mới biết đã bị nhà mạng thu hồi từ lâu. Chị Huyền kể, sim đó chị được chồng sắp cưới tặng với ý nghĩa "duy nhất một người, không có người thứ hai". Định bụng sau khi cưới sẽ dùng làm sim chính nên chị cất đi để dành.

"Mình không nợ cước nên thấy rất lạ khi tự nhiên sim còn mà quyền sử dụng lại hết. Hỏi tổng đài thì họ nói sau một thời gian dài sau khi mình kích hoạt lại không sử dụng nên mới bị như vậy", chị Huyền nói.

Trên thực tế, các nhà mạng đều ban hành quy định thu hồi sim đối với cả thuê bao trả trước và trả sau. Theo đó, với những sim nợ cước, chuyển từ trả sau sang trả trước quá một tháng không kích hoạt hay tùy từng hãng viễn thông mà quá 3-6 tháng không phát sinh cước gọi, nhắn tin... đều sẽ hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, không phải người tiêu dùng nào cũng nắm rõ được điều đó. Bản thân những người buôn sim số đẹp, ôm hàng nghìn sim trong tay, khi không kiểm soát được cũng đành mất không sim VIP.

Tuy nhiên, với không ít người, chính sách này của các nhà mạng lại được đánh giá là tích cực để bảo vệ, giữ gìn tài nguyên số. Anh Nguyễn Văn Long, giám đốc một công ty truyền thông ở Hà Nội cho rằng điều này sẽ hạn chế được nạn đầu cơ và quản lý kho số tốt hơn, đưa thị trường trở về đúng với nhu cầu sử dụng vốn có.

Trước đây, quy định giữ số trên hệ thống tối đa 30 ngày chỉ áp dụng đối với thuê bao di động trả trước. Cách làm này nhằm hạn chế lượng thuê bao ảo gây lãng phí kho số, tăng hiệu suất sử dụng cho nhà mạng. Bên cạnh đó, cách làm này cũng giúp đơn vị chức năng giảm thiểu hiện tượng đầu cơ sim ở các đại lý. Mới đây, cách thức này cũng được các hãng viễn thông áp dụng với cả các thuê bao trả sau.

Các hãng viễn thông khẳng định khi áp dụng quy chế mới họ đã gửi thông báo cho đại lý và đăng tải công khai trên website của mình. Vì vậy, chuyện người tiêu dùng bất ngờ khi bị khóa số không nhiều.

Hồi cuối năm 2009 khi nhà mạng lần đầu tiên áp dụng quy định cắt giảm thời gian giữ số trên hệ thống từ 2 tháng xuống còn một tháng đã vấp phải phản ứng mạnh từ khách hàng. Tại thời điểm đó, cả trăm đại lý kinh doanh sim thẻ đã gửi đơn thư khiếu nại vì cả nghìn số di động đã kích hoạt đang nằm trong kho bỗng dưng bị thu hồi. Các hãng viễn thông giải thích quy định này do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Do vậy, không chỉ người tiêu dùng mà cả nhà cung cấp dịch vụ không có cách nào khác là phải tuân thủ.