70 năm giải phóng Thủ đô

Sinh kế và khởi nghiệp cho người cao tuổi từ 60 trở lên

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự gia tăng số lượng người cao tuổi là thách thức lớn trong việc đảm bảo sinh kế. Nhất là trong bối cảnh thị trường ngày càng đòi hỏi người lao động phải có trình độ để đáp ứng yêu cầu công việc.

Việt Nam hiện khoảng 11,4 triệu người cao tuổi (NCT) từ 60 tuổi trở lên, chiếm 13,6% tổng dân số. Năm 2035, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, với khoảng 21 triệu NCT, chiếm khoảng 20% tổng dân số.
Tuổi thọ trung bình của Việt Nam năm 2019 là 73,6; dự báo sẽ tăng lên tới 78 tuổi vào năm 2030. Cứ 10 lao động lớn tuổi tại các đô thị, có 7 người làm việc trong khu vực phi chính thức. Với tuổi nghỉ hưu như hiện nay, rất nhiều NCT vẫn còn sức khỏe và khả năng làm những công việc phù hợp mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình.
TS Trần Ngọc Diễn đề nghị đẩy mạnh truyền thông về sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi.
Tại buổi tọa đàm Diễn đàn Sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi, do Tạp chí Lao động và Xã hội tổ chức ngày 3/11, TS Nguyễn Hải Hữu - nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho biết: Tỷ lệ NCT tham gia làm việc ngày càng tăng trong 20 năm qua. Năm 1999 có 19,40% NCT là nữ tham gia làm việc, 35% NCT nam làm việc thì đến năm 2020 tăng lên thành 38% và 46,10%.
Kết quả nghiên cứu vào tháng 6 - 8 năm 2020 tại TP Hồ Chí Minh, Nghệ An và Hải Dương cho thấy, khoảng 40 - 45% NCT tham gia hoạt động kinh tế. Trong đó có 3 - 4% NCT là chủ các DN, trang trại trồng trọt, chăn nuôi đã và đang tạo ra hàng triệu chỗ làm việc cho người lao động. Hàng vạn NCT tham gia hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hoạt động văn hóa, nghệ thuật...
Kết quả điều tra về NCT Việt Nam, 20% NCT có nguồn thu quan trọng nhất là thu nhập qua làm việc. Tuy nhiên, để tìm kiếm việc làm mang lại thu nhập là điều không đơn giản đối với NCT. NCT đang gặp phải rất nhiều rào cản trong quá trình tìm kiếm việc làm, để đảm bảo sinh kế và nâng cao thu nhập.
TS Trần Ngọc Diễn - Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội nhận định: Để NCT tìm được công việc phù hợp lại không phải dễ dàng trong khi các quy định về lao động lớn tuổi ở nước ta vẫn khá hạn chế và thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa được hình thành.
Đa số NCT có nhu cầu làm việc nhưng chưa không biết tìm việc làm ở đâu, chỉ qua giới thiệu của người quen, bạn bè; nên cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với sức khỏe không nhiều.
Trên các website tuyển dụng, chủ sử dụng thường yêu cầu độ tuổi ứng viên từ 18 - 35 tuổi; nhóm từ 50 tuổi trở lên hầu như không có việc làm cần đến họ.
Với người lao động từ 60 tuổi trở lên, công việc họ tìm được chủ yếu là bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già... Nhiều NCT có khả năng, kinh nghiệm, muốn đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng lại thiếu vốn.
Tạo việc làm cho người cao tuổi vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám, góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội. Ảnh: Internet.
Để tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho NCT; vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, ông Nguyễn Hải Hữu đề xuất chính sách vay vốn lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp tài sản và có sự bảo lãnh của Hội người cao tuổi cấp xã để sản xuất kinh doanh quy mô vừa và nhỏ. NCT được miễn giảm phí học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với tình thực tế của địa phương nơi NCT cư trú.
Bà Nguyễn Thị Phương Mai và Trương Thị Ly công tác tại khoa Công tác xã hội, trường Đại học Công đoàn đề xuất giải pháp thiết lập các trung tâm giới thiệu việc làm cho lao động cao tuổi để họ tiếp cận và nhận được hỗ trợ tìm việc làm.
Bên cạnh đó, cần phải tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; lồng ghép chính sách việc làm cho người cao tuổi trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội...
Đồng thời, NCT cần được nâng cao tay nghề và kỹ năng mới giúp họ có khả năng cạnh tranh trong tìm việc làm ở thị trường lao động mới.