Sinh viên “buôn” đặc sản quê: Một vốn bốn lời

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thấy được “tiềm năng” của món ăn quê, rất nhiều sinh viên đã trở thành người quảng bá đặc sản quê hương của mình thông qua mạng xã hội.

Buôn quà quê

Từ những món ăn dân dã, đơn giản của quê nhà, rất nhiều sinh viên đã kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. 

Sinh ra và lớn lên tại Lạng Sơn, Trịnh Thị Ngân Phương (khoa kiểm toán- Đại học Ngân Hàng) đã quá quen thuộc với món bánh ngải. Sau một vài lần đem xuống Hà Nội làm quà cho các bạn cùng lớp, thấy được sự thích thú của mọi người sau khi thử món ăn lạ của người Tày, Phương đã quyết định đi “buôn” bánh ngải.
Món bánh Ngải của người Tày ở Lạng Sơn đã được Trịnh Thị Ngân Phương (khoa kiểm toán- Đại học Ngân Hàng) mang xuống HN bán cho bạn bè
Món bánh Ngải của người Tày ở Lạng Sơn đã được Trịnh Thị Ngân Phương (khoa kiểm toán- Đại học Ngân Hàng) mang xuống HN bán cho bạn bè.
“Đây là món ăn làm rất dễ của người dân tộc Tày Lạng Sơn chúng mình. Mùi vị thơm, hơi đắng tí xíu của ngải cứu nhưng rất dễ ăn lại bổ nữa. Ban đầu chỉ là định mang xuống cho mọi người ăn cho biết. Nhưng thấy ai cũng thích, lại còn tranh nhau bánh nên tự nhiên nổi ý tưởng đi buôn trong đầu thôi”- Ngân Phương cho biết.

Không phải lần đầu đi buôn, nhưng với Trương Thị Hà (sinh viên năm 4- trường đại học Thương mại Hà Nội) thì buôn bánh “lòng” An Phụ- Hải Dương là hút khách nhất. 

“Bánh nghe tên lạ đúng không. Nhưng ăn vào cực ngon, rất hợp uống với trà xanh. Vì là sản phẩm nhà làm ra nên cực đảm bảo chất lượng với khách nhé. Vừa kiếm được tiền, vừa quảng bá được thương hiệu bánh ở quê, lợi cả đôi đường, tốt quá còn gì”- Trương Hà cho hay.

Một vài lần được bạn bè nhờ về quê đặt mua nem chua đem lên Hà Nội, Trịnh Kim Chi (sinh viên năm 3- đại học điện lực) nảy ra ý định bán nem chua Thanh hóa quê Chi. 

“Nem gốc Thanh Hóa, được mình đặt tại cơ sở sản xuất lâu năm nên rất uy tín và đảm bảo chất lượng. Ngày trước có nhiều bạn thèm muốn ăn, nhưng vì sợ nem không đúng Thanh Hóa nên ko dám mua ở Hà Nội, cứ đợi mình gửi xe mang lên. Trước đây chỉ mỗi tuần một chuyến nhưng giờ thì khác rồi. Muốn ăn là có ngay, hàng bán chạy vô cùng”.

Phương tiện quảng bá là… bạn bè

“Buôn có bạn, bán có phường. Nên muốn buôn gì, bán gì thì phải nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè cái đã”. Đó là lời khẳng định của Trương Thị Hà (sinh viên năm 4- trường đại học Thương Mại Hà Nội). Hà cho biết những ngày đầu bán hàng của cô chủ yếu là bạn bè trên lớp. Sau đó nhờ bạn bè giới thiệu mới mở rộng “địa bàn hoạt động được”.

Cũng giống Hà, Trịnh Thị Ngân Phương (đại học Ngân hàng) cũng phải mất một thời gian bán thử trong lớp để xem phản ứng của “khách hàng” rồi mới dám nhờ mọi người giới thiệu sản phẩm. 

“Nhiều bạn còn nhiệt tình giúp mình share thông tin trên facebook, zalo… không quên kèm theo lời nhắn “đã ăn thử và thấy cực ngon, lạ nữa”. Thế là khách cứ ùn ùn kéo đến đặt mua hàng. Nhiều hôm còn cháy hàng nữa cơ. Thích thế, toàn là bạn của bạn mình nên không dám bán đồ đểu đâu, mất lòng tin lắm”- Ngân Phương chia sẻ cách đi “buôn” của mình.

Tự lập được nhờ… đặc sản quê

Nếu trước kia hàng tháng đều đặn bố mẹ đều phải gửi tiền qua thẻ xuống nuôi Ngân Phương ăn học thì gần 1 năm trở lại đây, cô bạn này đã không còn cần bố mẹ chu cấp nữa. 

Ngân Phương phấn khởi khoe: “Ngày trước riêng tiền ăn, tiền nhà, tiền tiêu vặt một tháng bố mẹ cũng mất gần 3 triệu với mình rồi. Đấy là chưa kể có những khoản phát sinh thì còn phải hơn. Nhưng từ ngày bắt đầu bán bánh ngải mình không còn phải xin tiền từ bố mẹ nữa, đã thế tháng còn dôi ra một ít để nuôi lợn, thỉnh thoảng mua được cho bố mẹ và em trai ít quần áo gửi về nữa”.

Nhà đông anh chị em, không được khá giả gì lắm nên mọi chuyện tiền nong chu cấp hàng tháng cho Chi rất khó khăn, mọi thứ đều phải tiết kiệm hết mức. Nhưng chỉ sau 4 tháng buôn nem chua, số tiền Chi kiếm được đã đủ để cô bạn trang trải và tự lo cho cuộc sống sinh viên của mình. 

Trịnh Thị Kim Chi (đại học Điện lực) chia sẻ: “Mới đầu gom tiền để đi đặt hàng khó lắm, lại còn sợ lỗ vốn, rồi ế này nọ. Nhưng có liều thì mới mong kiếm được tiền, y rằng mình có thêm thu nhập. Hiện tại mỗi tháng mình kiếm được hơn 3 triệu đồng tiền lãi. Đấy là chỉ vừa bán thôi đấy, nếu có đầu tư thì chắc sẽ kiếm hơn”.

Hầu hết khi buôn những món quà quê này, số vốn các bạn bỏ ra không nhiều, chỉ cần chất lượng đảm bảo và biết tận dụng các mối quan hệ làm phương tiện quảng bá thì sẽ có thêm thu nhập rất khá. 

Trịnh Thị Ngân Phương cho biết: “Bánh ngải này do chính tay mẹ mình làm. Trước kia khi mới bán số lượng bánh ít nên 1 mình mẹ làm cũng được. Nhưng giờ khách đặt mua tăng lên nên mẹ huy động cả dì và các cô làm cùng nữa. rồi sau đó đóng thùng cẩn thận mang ra xe gửi luôn xuống Hà Nội cho mình. Tính ra vốn bỏ ra đâu có nhiều, nguyên liệu rồi công cán, cước xe cộng vào cả rồi. Tính toán chán rồi mới quyết định bán đấy”.

“Nhờ có bánh mẹ làm, mùi vị của quê hương mà mình chi phí học hành của mình được trang trải. Thực sự thấy mình có ích hơn rất nhiều”- Ngân Phương xúc động nói./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần