Cuộc thi “Ký họa Văn Miếu-Quốc Tử Giám” là hoạt động nhằm hưởng ứng việc thực hiện các cam kết của TP Hà Nội tham gia quá trình thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các TP trong mạng lưới khi trở thành thành viên của mạng lưới thành phố sáng tạo (lĩnh vực Thiết kế) của UNESCO. Đồng thời, Cuộc thi còn là “sân chơi” lành mạnh nơi các bạn sinh viên cùng nhau sáng tạo, cùng nhau tranh tài, thể hiện cảm xúc, quan điểm của mình qua các tác phẩm ký họa về các công trình kiến trúc, hiện vật, tượng thờ,… tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Ban Tổ chức trao giải Nhất cho tác phẩm Khuê Văn Các của tác giả Đặng Viết Lộc. |
Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hoá khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu - Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, cuộc thi là cơ hội để các bạn sinh viên phát huy được tài năng, khả năng sáng tạo của mình, đồng thời khuyến khích các bạn sinh viên quan tâm, tìm hiểu về di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói riêng và di sản văn hóa nói chung.
"Chúng tôi hi vọng qua Cuộc thi sẽ lan tỏa niềm đam mê hội họa cũng như tình yêu với di sản văn hóa trong thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc” - ông Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh.
Qua 2 tháng phát động, Cuộc thi đã nhận được hàng trăm tác phẩm ký họa tham dự của các bạn sinh viên thuộc các trường đào tạo ngành Kiến trúc và Quy hoạch tại Hà Nội như: Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc, Viện Đại học Mở Hà Nội,…Các tác phẩm đã ký hoạ lại những công trình kiến trúc nghệ thuật nổi bật của di tích như Khuê Văn các, cổng Văn Miếu, cổng Đại Thành, nhà Bái Đường,… hay những linh vật Rồng, Nghê, Bia tiến sĩ, phong cảnh và con người.
Du khách nước ngoài tham quan những tác phẩm trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. |
Các tác phẩm ký họa đã cho thấy sự đa dạng về chủ đề và góc nhìn. Có những tác phẩm khai thác chỉ một chi tiết ở bậc thềm hóa rồng nhưng lại có tác phẩm thể hiện cả một không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhìn từ trên cao. Trong đó, Khuê Văn các là chủ đề xuất hiện nhiều nhất trong các tác phẩm ký họa dự thi. Đặc biệt với những chất liệu và bút pháp đa dạng như bút chì, bút sắt, màu nước,…các bạn sinh viên đã thể hiện được vẻ đẹp dung dị, thân quen nhưng cũng đầy mới lạ của khu di tích gần một nghìn năm tuổi. Ban Tổ chức đã chọn được 14 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Trong đó, giải Nhất được trao cho tác phẩm Khuê Văn các của tác giả Đặng Viết Lộc, sinh viên trường Đại học Xây dựng. Ban Tổ chức cũng trao 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 8 giải Khuyến khích. Ngoài các tác phẩm đạt giải, 40 tác phẩm ký họa đẹp nhất cũng được chọn để trưng bày.