Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sinh viên đắt sô làm giúp việc theo giờ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giúp việc theo giờ là hình thức đang được nhiều gia đình ưa thích, vì tính tiện dụng, cần lúc nào gọi lúc ấy, thích hợp với những người không muốn có người lạ sống chung nhà, nảy sinh nhiều vấn đề, rắc rối. Sinh viên cũng coi công việc này là khá lý tưởng.

Chỉ cần gõ từ khóa “giúp việc theo giờ” đã ra kết quả rất nhiều công ty, trung tâm đang thông báo tuyển người. Trên Facebook cũng có khá nhiều hội nhóm, câu lạc bộ sinh viên giúp việc theo giờ liên tục rao tuyển cần người làm.

Người tìm việc có thể dễ dàng thấy những mẩu tin như: “Cần gấp người giúp việc theo giờ khu vực gần Quốc Tử Giám, làm từ16h-20h, yêu cầu thật thà, có kinh nghiệm, liên hệ với mình nhé! 0169xxxxxx” hay “Cần một người dọn nhà cuối tuần trên đường Lạc Long Quân, chỉ một buổi cuối mỗi tuần, lương hấp dẫn, trao đổi với tớ nhé 0169xxxxxx, ưu tiên đã có kinh nghiệm hoặc nhanh nhẹn, sạch sẽ”.

 
Sinh viên đắt sô làm giúp việc theo giờ - Ảnh 1
Lệ (quê Nghệ An) - sinh viên năm thứ 3 ĐH Thương mại đã làm công việc giúp việc theo giờ được vài tháng nay. Em cho biết khá hài lòng với công việc này vì tính ổn định, tốn ít thời gian, thu nhập không quá thấp đối với sinh viên đi làm thêm.

Hiện Lệ đang làm giúp việc theo giờ cho một gia đình thông qua công ty trung gian. Thủ tục để được vào làm cũng không có gì phức tạp. Em phải nộp hộ khẩu, chứng minh thư công chứng và đơn xin việc để công ty có cơ sở đảm bảo với các gia đình thuê người nếu có chuyện mất cắp, hư hỏng đồ đạc.

Hằng ngày, Lệ phải làm việc trong vòng 3 tiếng, từ 18h đến 21 giờ và chỉ được nghỉ các ngày Chủ nhật. Được biết gia chủ phải trả cho công ty mỗi giờ 40 nghìn đồng và công ty trả cho người làm 20 nghìn đồng/giờ. Người giúp việc chỉ đến gia đình làm nhiệm vụ của mình, còn mọi thỏa thuận về lương bổng đều làm việc với công ty.

Lệ cho biết công việc cụ thể cũng còn tùy thuộc vào yêu cầu của mỗi gia đình. Riêng gia đình em đang làm thì công việc chủ yếu là lau dọn nhà cửa, giặt quần áo, phụ giúp chủ nhà nấu cơm tối.

“Nhà có nhiều tầng, nhiều phòng. Công việc của em là phải lau dọn sạch sẽ tất cả các phòng, từ sàn nhà đến đồ đạc. Còn nấu cơm thì em chỉ phụ giúp, vì chủ nhà ăn uống theo sở thích của họ nên họ tự nấu, không yêu cầu em phải nấu”, Lệ cho biết.

Với công việc này, Lệ chỉ mất 3 tiếng/ngày, vẫn còn thời gian cho việc học hành, không như những công việc khác, nếu đi làm thêm thì rất khó có thời gian để học bài.

“Có nhiều việc làm thêm cho sinh viên nhưng làm gia sư thì không ổn định, lại phải mất tiền phí qua trung tâm. Bồi bàn hoặc các việc khác thì hầu như mất từ 6-12 tiếng nên em nghĩ công việc này là phù hợp nhất”, cô sinh viên quê Nghệ An cho biết.

Tháng vừa rồi Lệ nhận 1,5 triệu tiền lương – một số tiền có thể trang trải chi phí ăn học kha khá với mức chi tiêu tiết kiệm của sinh viên, lại không mất thêm chi phí nào. Em cho biết, công ty lúc nào cũng trong tình trạng cần người làm, đặc biệt vào thời điểm giáp Tết. Những người nhận công việc này chủ yếu và sinh viên và người lao động tự do.

Trong trường hợp bận việc đột xuất thì công ty cũng có thể sắp xếp người khác làm thay 1, 2 ngày nên em có thể yên tâm nếu muốn về quê hoặc nếu bận thi cử, học hành.

Cũng làm giúp việc theo giờ nhưng khác với Lệ, Yến không làm thường xuyên hằng ngày mà chỉ làm khi nào nhà chủ yêu cầu, có thể là 1, 2 buổi/ tuần hoặc có khi nửa tháng mới làm một buổi.

Yến không làm qua công ty trung gian mà qua giới thiệu của người quen, chủ nhà trả công trực tiếp cho người làm nên tiền công cho mỗi giờ cũng cao hơn - 40 nghìn đồng/giờ. Vì lâu lâu mới thuê người lau dọn một lần nên công việc cũng nhiều hơn, vất vả hơn, nhưng bù lại mỗi buổi Yến nhận được từ 150-200 nghìn.

Cũng vì không qua công ty trung gian nên thời gian làm việc do chủ nhà và người làm tự thống nhất với nhau. “Hôm trước em lau dọn cho một cô người quen căn nhà 3 tầng trong vòng 4 tiếng rưỡi, được nhận tiền công là 180 nghìn, thanh toán ngay sau khi làm xong”, Yến kể.

Yến cho biết em không chỉ làm cho một gia đình mà cho nhiều gia đình khác nhau, chủ yếu là họ hàng, bạn bè họ giới thiệu cho nhau, khi nào người ta cần thì em đến làm, không có lịch cố định. “Tuy nhiên, với những gia đình này thì em không phải giặt quần áo, nấu cơm, chỉ cần dọn nhà thôi”, Yến kể.

Tuy nhiên, theo Lệ và Yến chia sẻ thì công việc nào cũng có những cái khó riêng. Như một gia đình mà Yến đang làm gia chủ rất khó tính. “Nhà nhỏ thôi nhưng phải lau thật kỹ, không còn một vết bẩn hay hạt bụi nào mới vừa ý chủ nhà”.

Còn Lệ thì tâm sự: “Nhà em đang làm yêu cầu phải giặt quần áo bằng tay, tất cả các loại quần áo. Có những buổi em phải giặt tới 3, 4 chậu quần áo, chỉ giặt bằng tay. Lau nhà thì không được dùng chổi, mà dùng giẻ, ngồi bệt lau tay từng tí một. Hôm nào đi làm về em cũng phải giặt một đống giẻ lau nhà”.

“Nhưng chẳng có công việc nào là không vất vả cả. Muốn kiếm tiền phụ giúp bố mẹ thì bọn em phải cố gắng và chấp nhận thôi. Dù sao có việc làm cũng là may rồi. Tết này em sẽ có thêm chút tiền mang về cho mẹ sắm sửa”, Lệ nói.