Nơi ươm mầm sáng tạo
Tuy khởi nghiệp đang trở thành phong trào, xu thế, nhưng hiện nay, 235 trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) chưa triển khai hoạt động này. Chỉ một số ít SV tham gia vào chương trình khởi nghiệp quốc gia hoạt động còn mang tính nhỏ lẻ, chưa tạo được động lực thực sự cho SV. Song, đối lập với 235 trường, lại có những cơ sở giáo dục đi tiên phong trong phong trào khởi nghiệp nhằm biến ý tưởng của SV thành hiện thực.
Các bạn trẻ giới thiệu dự án khởi nghiệp đến khách tham quan tại festival khởi nghiệp 2016. Ảnh: Công Hùng |
PGS.TS Đinh Văn Hải – Trưởng phòng Công tác chính trị và công tác SV, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: "Nhà trường quan tâm đến khởi nghiệp SV từ rất sớm bằng việc thành lập Trung tâm khởi nghiệp có môi trường làm việc kích thích sự sáng tạo. Trường cũng có nhiều đổi mới trong công tác SV nghiên cứu khoa học (NCKH). Thay vì tổ chức tuần lễ SV NCKH như trước, chúng tôi thành lập những câu lạc bộ (CLB) SV nghiên cứu và sáng tạo trong từng hoặc đa lĩnh vực chuyên môn”. Và với khẩu hiệu “Học tập – Nghiên cứu – Sáng tạo – Khởi nghiệp”, Bách khoa Hà Nội rất chú trọng tính sáng tạo của SV, bởi đây là khởi nguồn để các em khởi nghiệp. Vì thế, các CLB đều được trường hỗ trợ kinh phí và cùng kết hợp với DN đầu tư cho những ý tưởng tốt để ý tưởng ra được thị trường.
Cũng phải nói, từ nhiều năm nay, khởi nghiệp mang lại thành công cho khá nhiều SV ĐH Ngoại thương. Để phát triển hoạt động này, nhà trường thành lập Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo giúp SV tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp. Ngoài ra, các chương trình, dự án của SV cũng được trường giới thiệu đến các DN để có tài trợ, đầu tư. TS Phạm Thu Hương – Trưởng phòng Đào tạo của trường thông tin thêm: “Trong tất cả các ngành đào tạo, kể cả trong từng học phần, trường đều chú trọng đến khởi nghiệp, giúp SV biết cách làm thế nào để bắt đầu mảng công việc kinh doanh từ tư vấn về dịch vụ cho đến thương mại. Trong mỗi cuộc thi, dự án của SV đều được hỗ trợ, đầu tư để trở thành hiện thực và khá thành công”.
Khởi nghiệp từ giảng đường
Khẳng định vai trò quan trọng của hoạt động khởi nghiệp, giúp SV áp dụng kiến thức được học trên giảng đường vào thực tế, biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực, năm học này, Học viện Ngân hàng mở thêm chuyên ngành mới “Khởi sự kinh doanh”. Theo đó, SV sẽ được trang bị những kiến thức chuyên sâu về khởi nghiệp, cũng như trải nghiệm thực tế, ra ngoài thị trường từ năm học thứ ba. PGS.TS Đỗ Thị Kim Hảo – Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết: Khởi nghiệp chưa được nhà trường đưa thành môn học chính thức cho tất cả các ngành đào tạo. Nhưng những kỹ năng của hoạt động này đều được truyền tải qua các CLB (Nhà ngân hàng tương lai, Nhà DN trẻ, Marketing…). Khi tham gia CLB, thông qua các hoạt động, SV có thể tự đào tạo hoặc mời các nhà tuyển dụng đến trao đổi về khởi nghiệp. Hơn thế, Học viện còn tổ chức những diễn đàn, tọa đàm có sự tham gia của doanh nhân thành đạt, giám đốc kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng chia sẻ kinh nghiệm khởi sự DN.
Từ việc được trang bị kiến thức khởi nghiệp trên lớp, thông qua hoạt động của các CLB, nhiều SV Học viện Ngân hàng khởi sự kinh doanh nhà hàng, mở quán café… bước đầu thành công. Gần đây, người ta hay nhắc tới cái tên Huỳnh Văn Khải - cựu SV Học viện khởi nghiệp từ năm học thứ hai với hai bàn tay trắng. Sinh năm 1993, nhưng sau 3 năm khởi nghiệp, đến nay, chàng trai Quảng Ngãi này đang quản lý 4 cơ sở kinh doanh, gồm 1 studio, 1 xưởng may, 1 công ty truyền thông và 1 quán café. “Mình rất biết ơn các thầy cô ở Học viện đã trang bị nhiều kiến thức, hướng dẫn và giúp đỡ về quản trị nhân sự, tài chính, thậm chí tư vấn về luật” – Khải cho biết. Từ những thất bại đã gặp, Khải khẳng định: SV khởi nghiệp khó khăn gấp 2, 3 lần người bình thường, nhưng không vì thế mà chùn bước. Các bạn phải cố gắng rất nhiều cộng với một chút trải nghiệm, tầm nhìn tương đối, cộng với nguồn lực và có quyết tâm lớn thì mới có thể khởi nghiệp.