Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sinh viên trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đóng 1,9 triệu đồng chống trượt: Do lỗi từ Bộ GD&ĐT!

Thủy Trúc - Chi Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dư luận xã hội đang rất bức xúc việc sinh viên trường Đại học (ĐH) Công nghiệp Hà Nội phải đóng 1,9 triệu đồng/người để “chống trượt” đầu ra môn Ngoại ngữ.

Chiều 16/11, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT khẳng định, lỗi này từ Bộ GD&ĐT đã làm ngơ cho các trường vi phạm.
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội thu tiền. Ảnh: Báo Lao động
Trước đó, điều tra của nhóm phóng viên báo Lao động, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã tạo dựng các kỳ thi cấp chứng chỉ đầy dối trá. Các sinh viên trường ĐH Công nghiệp Hà Nội phải đóng tiền “chống trượt” kỳ thi cấp chứng chỉ đầu ra môn tiếng Anh. Theo đó, giảng viên khoa Ngoại ngữ của trường này sẽ thu của mỗi sinh viên 1,9 triệu đồng cho việc ôn luyện thi lấy chứng chỉ TOIEC, nhưng thực chất là để “chống trượt”.
Nói là học ôn luyện, nhưng sinh viên được dạy học thuộc lòng kiểu i-tờ bộ đề thi cho sẵn và tập tô. Đa phần các sinh viên chỉ có mặt ở lớp học ôn luyện môn tiếng Anh buổi đầu tiên để đóng tiền và buổi cuối - lấy tài liệu và nghe giáo viên dặn dò.
Theo phản ánh của sinh viên đóng khoản phí 1,9 triệu đồng, các câu hỏi trong đề thi thật môn tiếng Anh giống tới 80% như đề đã được cho khi học ôn “chống trượt”. Những sinh viên đã đóng phí “chống trượt” không làm được bài, đều mặc định được 460 điểm TOIEC.
Trước tiêu cực xảy ra trong thi lấy chứng chỉ đầu ra môn tiếng Anh của trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, chiều 16/11, TS Lê Viết Khuyến cho rằng phải xử lý nghiêm túc theo quy chế. Nhưng, ông Khuyến muốn nói tới góc độ khác vẫn đang tồn tại. Đó là tại sao lại “đẻ” ra cơ chế để cho họ gian lận mà lâu nay Bộ GD&ĐT làm ngơ chuyện này.
Theo Quy chế Đào tạo ĐH và CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ, theo Quyết định 43/2007/QĐ-BGDĐT, quy định sinh viên phải tích lũy được số tín chỉ các môn học theo quy định. Môn nào cũng phải thi và đạt kết quả điểm từ trung bình trở lên, trong đó có môn tiếng Anh, mới đảm bảo điều kiện tốt nghiệp. Kèm theo đó phải có thêm 2 chứng chỉ nữa là Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng.
“Nhưng, một số năm nhiều đây, khá nhiều trường có “phong trào” khi sinh viên đảm bảo đủ điều kiện tốt nghiệp rồi thì cũng không được cấp bằng mà phải có chứng chỉ ngoại ngữ TOIEC, IELTS đạt bao nhiêu điểm đó. Nếu sinh viên nào không đạt chứng chỉ ấy thì không được cấp bằng ĐH. Điều đó là sai quy chế thi tốt nghiệp” - ông Khuyến nhận định.
Ông Khuyến cho rằng, khi đặt ra điều kiện như thế, nhà trường đã lách quy chế bằng cách thu tiền tổ chức cho sinh viên học ôn và tổ chức thi môn Ngoại ngữ. Nếu thi không đạt thì lại nộp tiền “chống trượt”.
“Trước đây đã có quy định thi môn Mac - Lenin rồi, nhưng sinh viên lại phải thi tốt nghiệp môn học này thêm lần nữa. Đó là cái sai. Quy chế 43 đã bỏ điều này, bây giờ các trường lại “đẻ” ra môn Ngoại ngữ nhưng Bộ GD&ĐT đã làm ngơ. Lỗi này là từ Bộ GD&ĐT, các trường đã vi phạm quy chế. Sinh viên không hiểu biết nên không biết kiện lại” - ông Khuyến thông tin thêm.
Theo nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, việc các trường đặt ra quy định thi Ngoại ngữ và phải đạt chứng chỉ tưởng là nâng cao chất lượng nhưng đó là lợi dụng tiêu cực. Hiện tượng đó là hệ quả kéo theo của việc làm sai quy chế trong cả thời gian rất dài nhưng cơ quan quản lý của nhà nước không ai lên tiếng. Đó là buông lỏng quản lý.
Ông Khuyến cho biết không bất ngờ khi biết thông tin trường ĐH Công nghiệp Hà Nội thu tiền “chống trượt” thi lấy chứng chỉ đầu ra môn tiếng Anh. Đây là cũng trong các chuyện tiêu cực, kể cả phổ thông, học nghề, ĐH cũng rất phổ biến.

Hiệu trưởng trần tình về phí 1,9 triệu đồng “chống trượt”

Thông tin về sự việc sinh viên phải đóng 1,9 triệu đồng “chống trượt” đầu ra môn tiếng Anh, ông Trần Đức Qúy – Hiệu trư-ng trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, nhà trường đã họp và xác minh nội dung thông tin báo chí đăng tải. Hai cô giáo trong video clip báo chí phản ánh là giáo viên của trường, đã giải trình và nhận trách nhiệm về phát ngôn không chuẩn xác, gây hiểu lầm về nhà trường.

Ông Quý cho biết nhà trường chưa bao giờ có khoản tiền chống thi trượt nào như báo chí đã phản ánh. Khoản tiền mà các sinh viên phải nộp là khoản thu dành cho các sinh viên yếu về kỹ năng ngoại ngữ. Đó là tiền đăng ký học bổ sung kiến thức nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra theo quy định. Mức thu dựa trên khối lượng giảng dạy của chương trình do khoa Ngoại ngữ của nhà trường xây dựng. Thêm vào đó, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội không tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ mà chỉ có một kỳ thi nội bộ để kiểm tra và công nhận đạt chuẩn đầu ra.

Tuy nhiên, để cung cấp thông tin chính xác nhất, ban lãnh đạo nhà trường vẫn sẽ tổ chức họp và làm tường trình báo cáo tới cơ quan chủ quản là Bộ Công thương và Bộ GD&ĐT, tiếp tục làm việc với các cá nhân, đơn vị để xác minh thông tin và xử lý nghiêm sai phạm nếu có.