Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

SMEDF bắt tay ngân hàng hỗ trợ đến 80% vốn vay cho doanh nghiệp

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) hiện đang liên kết với 6 ngân hàng tổ chức chương trình cho vay gián tiếp, với lãi suất ngắn hạn chỉ từ 1,2%/năm; mức cho vay lãi tối đa lên đến 80% tổng mức vốn đầu tư cho từng dự án, phương thức sản xuất, kinh doanh.

Lãi suất vốn vay chỉ từ 1,2%/năm

Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Từ năm 2019 đến nay, SMEDF thực hiện 4 chức năng chính gồm: hỗ trợ tăng cường năng lực, tài trợ, cho vay trực tiếp và cho vay gián tiếp.

Trong đó, riêng đối với chương trình cho vay gián tiếp, SMEDF lựa chọn ngân hàng thương mại để ký thoả thuận cho vay. Hiện, SMEDF đã bắt tay với 6 ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay gián tiếp.

Chương trình cho vay gián tiếp của SMEDF tạo động lực phát triển cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chương trình cho vay gián tiếp của SMEDF tạo động lực phát triển cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cụ thể gồm: Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), Ngân hàng TMCP phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Theo SMEDF, mức cho vay lãi tối đa theo chương trình cho vay gián tiếp không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương thức sản xuất, kinh doanh. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 1,2%/năm (con số này là 4,4% nếu vay trung hạn và dài hạn). Thời gian vay không quá 7 năm, thời gian ân hạn tối đa 2 năm.

Bên cạnh chính sách về lãi suất, khi tham gia chương trình cho vay gián tiếp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn được tư vấn, đào tạo, kết nối kinh doanh do SMEDF tổ chức. Điều này hứa hẹn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cơ hội việc làm cho người lao động.

Doanh nghiệp cần đáp ứng điều kiện gì?

Theo SMEDF, chương trình cho vay gián tiếp sẽ được áp dụng đối với 3 nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể là: doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành.

Về quy định cho vay gián tiếp, SMEDF cho biết sẽ thực hiện theo đúng các nội dung ghi tại Điều 20, 23, 24 của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các quy định áp dụng riêng đối với 3 nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa nêu trên.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án sản xuất kinh doanh tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư và phải đảm bảo đủ nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án, phương thức sản xuất, kinh doanh.

Quy trình thực hiện vay vốn gián tiếp trải qua 3 bước. Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ nộp hồ sơ tại điểm giao dịch ngân hàng hoặc qua bưu điện. Tiếp đó, ngân hàng sẽ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và gửi SMEDF xem xét. Trên cơ sở thẩm định hồ sơ, SMEDF sẽ quyết định chuyển vốn cho ngân hàng cho gián tiếp.

Theo SMEDF, để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận chương trình cho vay gián tiếp, đơn vị đã phối hợp xây dựng Sổ tay hướng dẫn chương trình. Các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận thông tin, download Sổ tay hướng dẫn tại địa chỉ: http://phattriendnnvv.mpi.gov.vn; facebook với tên miền smedf.mpi; hoặc hotline 0867970880.

Cũng theo SMEDF, bên cạnh 6 ngân hàng đối tác hiện nay gồm: BIDV, Bac A Bank, HDBank, MB, SHB và Sacombank, trong thời gian tới SMEDF sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới ngân hàng đối tác. Ban Quản lý Quỹ sẽ công bố công khia ngân hàng nhận vốn cho vay gián tiếp trên các kênh thông tin, website của Quỹ. 

 

Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động; đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.