Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sơ bộ thiệt hại ban đầu do bão số 3, các tỉnh Bắc Trung Bộ nguy cơ ngập lụt nặng

Trương Huyền (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê sơ bộ, bão số 3 đổ bộ vào Bắc Trung Bộ rạng sáng 19/7, không gây thiệt lớn cho các địa phương. Tuy nhiên, mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão (sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới) cộng với lượng nước tích trữ tại các sông suối, hồ đập từ những trận mưa dai dẳng từ đầu tuần đã khiến khu vực này đang phải đối diện với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt ở vùng trũng, thấp.

Mưa lớn khiến nước dâng cao, chia cắt nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.
Sáng 19/7, báo Biên Phòng dẫn thông tin từ Ban Chỉ huy các Đồn Biên phòng Quỳnh Phương, Quỳnh Thuận, Diễn Thành và cảng Cửa Lò (BĐBP Nghệ An) cho biết, cơn bão số 3 chính thức đổ bộ địa bàn các huyện, thị ven biển của tỉnh Nghệ An vào khoảng 0h ngày 19/7 với sức gió cấp 6, kèm mưa nhẹ.
Nhận định ban đầu, bão số 3 không gây tổn thất về người, nhà cửa, tàu thuyền và các tài sản lớn của nhân dân địa phương. Chỉ có 1 ngư dân trên địa bàn xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu bị thương nặng trong quá trình neo đậu tàu thuyền và được quân y Đồn Biên phòng Diễn Thành sơ cứu ban đầu để chuyển lên tuyến trên. Ngoài ra, do lượng mưa lớn làm cho một diện tích lớn cây trồng, hoa màu, đàm phá nuôi trồng thủy sản ở địa bàn huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu… thiệt hại.
Trong khi đó, theo báo cáo sáng 19/7 của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, mưa rất lớn đã gây ngập lụt vùng ven biển tại các tỉnh từ Nam Định đến Hà Tĩnh. Do bão đổ bộ vào thời kỳ triều cường nên nguy cơ cao gây ngập lụt và sạt lở mạnh khu vực ven biển. Dự báo hoàn lưu bão tiếp tục gây mưa lớn từ 200 - 300mm, có nơi trên 350mm làm gia tăng ngập úng và sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi.
Tại các khu vực thấp trũng ven biển từ Nam Định đến Hà Tĩnh vẫn đang ngập sâu (các tỉnh hiện đang thống kê). Hiện các địa phương đã triển khai vận hành các trạm bơm và mở các cống tiêu để tiêu nước cho vùng diện tích ngập úng (Nam Định: 312 máy bơm và 6 cống tiêu; Ninh Bình: 286 máy bơm và 6 cống; Thanh Hóa: 198 máy bơm và 10 cống; Nghệ An: 8 máy bơm và 4 cống).
Tính đến sáng 19/7, chưa có thông tin về các hư hỏng, sự cố về đê điều do ảnh hưởng của bão số 3. Nhưng trước đó đã xảy ra sự cố sạt mái phía đồng đê biển 5, tỉnh Thái Bình tại 5 đoạn từ K7+630-K7+650; K7+680-K7+720; K7+745-K7+770; K7+875-K7+895; K8+100-K8+130, với tổng chiều dài tuyến đê bị sạt lở là 135m.
Theo bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hồi 7h ngày 19/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 3) ở trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50km/giờ), giật cấp 8.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 19h ngày 19/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 102,5 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
 Ảnh: Báo Nghệ An
Thanh Hóa: Nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất

Sáng 19/7, thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, do ảnh hưởng của bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền trong đêm 18/7, đến 8h sáng nay, tại nhiều huyện miền núi phía Tây của tỉnh có mưa lớn, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Các huyện có lượng mưa lớn, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, lũ ống cao, như: Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh…

Dự báo trong thời gian tới, trời tiếp tục có mưa vừa, mưa to. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các địa phương chủ động phương án di chuyển người và tài sản ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Với các tràn qua đường, các địa phương phải cắt cử người canh gác, có nguy hiểm là ngăn không cho người và phương tiện đi qua.

Nghệ An: Nhiều xã bị nước lũ cô lập

Theo tổng hợp của phòng NN&PTNT huyện Tân Kỳ, tính đến 8h30 sáng nay, mưa lớn trong những ngày qua và ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 đã gây ngập 680 ha diện tích cây trồng (trong đó lúa thu mùa là 430 ha, 250 ha rau hoa màu) và làm nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt; một số khu dân cư bị cô lập.

Nước ngập sâu gây chia cắt các địa phương, cô lập một số khu dân cư như các xóm Tân Quang, Trung Mỹ, Tân Xuân, Nam Hồng... Chính quyền địa phương đã làm biển cấm qua lại, và cử người túc trực 24/24h tại các cầu tràn. Lãnh đạo UBND huyện trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết và có biện pháp khắc phục để ổn định cuộc sống.

Tại huyện Quỳ Hợp, tuyến quốc lộ 48C đoạn qua xã Châu Cường bị ngập hơn 1m chia cắt các xã Châu Cường, Châu Hồng, Châu Tiến, Châu Thành với các xã vùng ngoài...
 Ảnh: Báo Nghệ An

Trong khi đó, tại huyện Quế Phong, mưa to, nước tràn đường, chảy mạnh, đã làm chia cắt cục bộ tuyến đường Châu Kim - Nậm Giải. Tại xã Thông Thụ, vào 8h30 sáng nay đã có 3 hộ dân của 2 bản Mường Piệt và Mường Phú phải di dời ra khỏi vùng lũ. Tại xã Hạnh Dịch, mưa bão đã làm ngập cầu tràn bản Pỏm Om, có 10 ha lúa của bản bị ngập nước. Mưa to, liên tục, nước ở các khe suối đổ về, dâng cao, ngập lên đến 1m, các bản bị chia cắt không lưu thông được. Nhiều ha lúa và ha màu bị ngập nước.

Số liệu thống kê sơ bộ của huyện Đô Lương cho thấy, hiện có trên 3000 ha lúa trong huyện bị ngập trong nước. Các xã Nhân Sơn, Mỹ Sơn, Hiến Sơn, Quang Sơn, Thái Sơn, mỗi xã ngập trên 200 ha lúa. Một số xã như Nhân Sơn, Thuận Sơn, Hiến Sơn nước bắt đầu vào nhà dân. Nhiều khu dân cư ở các xã vùng dưới đã bị chia cắt do nước ngập hoàn toàn. Nếu trời tiếp tục mưa, nước ngập lớn sẽ làm hàng nghìn ha lúa của bà con nông dân bị thối và có khả năng mất trắng.

Tại huyện Quỳnh Lưu, trên quốc lộ 48B đoạn qua địa bàn các xã Quỳnh Thắng, Tân Thắng có nhiều cây xanh bị gãy đổ, đặc biệt có nhiều cây to đổ gãy ngang đường gây ách tắc giao thông.

Nước lũ đang lên cao tại huyện Tương Dương và huyện Anh Sơn khiến nhiều xã bị cô lập, các tuyến đường giao thông trong huyện bị chia cắt.
 Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Gần 10.000 ha lúa hè thu bị ngập úng

Theo ghi nhận, đến thời điểm hiện tại, mực nước tại các sông trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu rút, nhưng huyện Đức Thọ vẫn còn khoảng hơn 1.500 ha lúa hè thu, hơn 900 ha rau màu các loại và 161 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập.

Ngay trong sáng nay, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã cắt cử các thành viên xuống tận cơ sở kiểm tra, chỉ đạo các địa phương tiến hành tiêu thoát nước cho những diện tích lúa, hoa màu đang bị ngập lụt, hạn chế thấp nhất về thiệt hại.

Huyện Can Lộc cũng là địa phương hiện có diện tích lúa bị ngập khá nhiều, với hơn 1.500 ha lúa, trong đó các địa phương bị ngập nặng là: Vĩnh Lộc, Kim Lộc, Song Lộc, Tùng Lộc...

Trong khi đó huyện Vũ Quang vẫn đang có gần 52 ha lúa, 42 ha ngô, 73 ha đậu vụ hè thu đang bị ngập úng. Ngoài ra, hội quán các thôn 4, 5 xã Đức Bồng; một số tuyến đường liên thôn; một số cụm dân cư ở vùng thấp trũng đang bị chia cắt...

Huyện Hương Sơn hiện nay vẫn còn 274 ha lúa, 567 ha đậu và 594 ha ngô bị ngập úng hoạc đổ gãy. Ngoài ra, vẫn còn 14 xóm và một số tuyến đường liên xã, liên thôn các xã Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Thủy, Sơn Tiến bị ngập, chia cắt...

Còn theo báo cáo từ Chi cục Trồng Trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, đến sáng nay (19/7), do ảnh hưởng của mưa lớn nên trên địa bàn Hà Tĩnh còn ngập úng gần 10.000 ha lúa hè thu, rau màu. Hiện nay, các địa phương, đơn vị cũng đang tích cực điều tiết cống tiêu thoát lũ, giảm diện tích lúa, hoa màu bị ngập.