Mỗi sáng sau khi cho con cái no cái bụng và đi học, đàn ông xóm Bến lại tụ tập trà lá. Thuốc lào “chay” mãi cũng chán, để giải khuây, ban đầu các ông chọn cờ tướng (cho nó lành mạnh); nhưng cái “môn thể thao trí tuệ” kia vốn chỉ dành cho 2 người. Thế là ngoài 2 “kỳ thủ”, các ông ở ngoài cũng chia phe; “cờ ngoài - bài trong”, ầm ĩ cả xóm.
Sau nhiều lần so tài cao thấp, cạnh khóe nhau, suýt dẫn đến xô xát vì “thể thao trí tuệ”, môn cờ tướng bị dẹp. Hết cờ, các ông chuyển sang… đánh bạc. Ban đầu chỉ giết thời gian bằng món “phỏm” ăn thua năm mười nghìn mỗi ván; dần dà để khỏi đau đầu, tính toán, các ông chuyển sang “3 cây”, rồi “liêng” để tăng tính sát phạt. Cũng may mấy bà vợ sớm phát hiện ra vấn đề, nên đã kịp sửa sai bằng cách… cách ly đám đàn ông; vậy là dẹp được nạn cờ bạc.
Nhưng cả trung đội đàn ông trong xóm cứ lộc ngộc ở nhà, thì việc cách ly họ giống như chỉ mành treo chuông. Cấm làm sao được chuyện các ông qua lại giao lưu chén trà, điếu thuốc? Để những đức ông chồng không tái phát tệ cũ, các bà nghĩ ra phương án… cột việc vào cổ chồng! Từ đấy người ta thấy cánh đàn ông xóm Bến không còn túm năm tụm ba; chưa bửng mắt, người đã chạy hàng, kẻ làm phu xe cho vợ. Thấy công việc đỡ phần vất vả, mà chồng con lại “đâm ngoan”, vậy nên bà áp dụng triệt để việc… cách ly chồng; còn cánh đàn ông xóm Bến dù bị xoay như đèn cù mà chẳng mấy kẻ dám hé răng.
Qua thời gian, đàn ông xóm Bến trở nên siêng năng, không ít kẻ đâm say nghề chạy chợ. Nhiều gia đình đã “chuyển vế - đổi dấu”, bằng cách vợ ở nhà chăm sóc con cái, chồng chạy chợ lo cơm áo gạo tiền. Đàn ông sức vóc hơn đàn bàn, chỉ cần nhạy bén trong buôn bán - lợi ích sẽ khác nhiều. Không còn lặt vặt lá rau con cá, đàn ông xóm Bến lắm người trở thành đầu mối cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhà hàng, bếp ăn công nhân hàng vạn người, kinh tế gia đình phất lên trông thấy. Nhưng buôn bán cũng tùy người, tùy duyên - không phải cứ xông ra chợ là “xúc” được tiền đem về cho vợ con.
Sau “thời kỳ đổi mới” bất thành, một bộ phận không nhỏ đàn ông xóm Bến lại quay về với nhiệm vụ chăm sóc gia đình con cái; việc gánh vác kinh tế gia đình lại được chuyển giao cho chị em. Và Hùng là một trong số hàng chục đàn ông xóm Bến “đầu hàng” thương trường, trở về… đuổi gà cho vợ. Từ khi giao việc nhà cho Hùng, Tuyết trở lại nghề chạy chợ, vì giỏi buôn bán, nên chỉ một thời gian ngắn, kinh tế gia đình cô dần ổn định trở lại.
Hôm nọ nhân trong làng có đám, vui chuyện, bà Hồng khoe chồng vừa ký hợp đồng cung cấp thực phẩm số lượng lớn cho công ty liên doanh. Đáp lại, cô Hải cũng “bật mí” rằng ông xã vừa bắt tay cung cấp lương thực cho DN ngàn nhân công… Câu chuyện của các bà, các cô khiến Tuyết (vợ Hùng) chạnh lòng lắm. Cô thầm nghĩ, chồng người ta giỏi giang thì vợ con mát mặt; buồn thay chồng mình suốt ngày quanh quẩn xó bếp… Nhưng rồi cô lại tặc lưỡi: Chồng em áo rách em thương...