Chiều 11/1, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh, ông Ngô Hải Đường – Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã lý giải việc thu phí và mức phí đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP.
Theo ông Ngô Hải Đường, nhằm thực hiện tốt công tác quản lý và sử dụng vỉa hè phù hợp với thực tế trên địa bàn TP, vào tháng 2/2023, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có chỉ thị 22-CT/TU về tiếp tục tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn.
Ngày 26/7/2023, UBND TP ban hành quyết định 32/2023/QĐ-UBND về quy định quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn; tiếp đến ngày 19/9/2023, HĐND TP có Nghị quyết 15/2023/NQ-HĐND về mức phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn.
Trên cơ sở đó, ngày 25/12/2023, Sở GTVT có công văn 15858/HD-SGTVT hướng dẫn thực hiện một số quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP. Trong đó, có hướng dẫn cụ thể các nội dung về trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan, trình tự thủ tục, các biểu mẫu, hình vẽ minh họa…
Cũng theo ông Đường, mục tiêu là góp phần lập lại trật tự và mỹ quan đô thị, xây dựng TP văn minh, hiện đại và nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố; đảm bảo trật tự giao thông an toàn; khai thác hiệu quả lòng đường, hè phố đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với đặc thù đô thị TP Hồ Chí Minh.
Ngoài chức năng này, lòng đường, hè phố chỉ được sử dụng tạm thời một phần ngoài mục đích giao thông (như kinh doanh, mua, bán hàng hóa, để xe, trông giữ xe theo quy định tại Quyết định số 32/2023/QĐ-UBND) khi được cơ quan chức năng cấp phép, chấp thuận thông qua phương án sử dụng và thu, nộp phí sử dụng theo quy định (mức phí theo Nghị quyết 15/2023/NQ-HĐND).
Tại công văn 15858/HD-SGTVT, Sở GTVT đã hướng dẫn UBND TP Thủ Đức và các quận huyện ban hành danh mục các tuyến đường có hè phố cho phép để xe 2 bánh không thu tiền dịch vụ;
Tiến hành rà soát, lựa chọn một số tuyến đường có lòng đường, hè phố đủ điều kiện sử dụng ngoài mục đích giao thông thông để triển khai thực hiện có lộ trình, công bố rộng rãi phạm vi, thời gian sử dụng tạm thời; tổ chức cấp phép, thông qua phương án và thu phí theo quy định.
Bên cạnh đó, Sở GTVT đang phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn tất thủ tục để thuê dịch vụ phục vụ hệ thống quản lý cấp phép, thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để triển khai trên toàn địa bàn TP (dự kiến tháng 7/2024 sẽ đưa vào sử dụng).
Liên quan đến công tác thu phí vỉa hè, lòng đường, tại quận 5 dự kiến từ ngày 1/3, UBND các phường tổ chức thu phí sử dụng tạm thời hè phố đối với các tuyến đường mà phường quản lý thuộc trường hợp: hè phố làm điểm kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa không phải cấp Giấy phép sử dụng tạm thời hè phố.
“Về thu phí sử dụng tạm một phần lòng đường, hè phố để làm điểm kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; điểm trông, giữ xe có thu phí, phần lớn người dân đồng tình. Tuy nhiên cũng có ý kiến về mức thu phí sử dụng một phần lòng đường, hè phố cho hoạt động trông, giữ xe có thu tiền đối với các tuyến đường trung tâm với mức phí 350.000đ/m2/tháng là khá cao so với quy định về giá thu tiền trông, giữ xe”, đại diện UBND quận 5 cho biết.
Còn theo ông Trần Hải Nguyên – Phó trưởng Phòng QLĐT quận 3: “Hiện nay quận 3 đã ban hành, niêm yết bộ thủ tục hành chính về cấp Giấy phép sử dụng tạm một phần lòng đường, hè phố để cá nhân, tổ chức áp dụng, như: nộp hồ sơ để được cấp phép và nộp phí tại quận. Việc đăng ký các hoạt động tạm thời sử dụng hè phố không phải cấp phép (tổ chức tiệc cưới, đám tang, điểm buôn bán, giữ xe không thu tiền có trong danh mục ban hành…). Đề xuất TP cần hướng dẫn rõ hơn cho địa phương về việc thu phí, quy trình thu, tài khoản nộp ngân sách; dự toán các hạng mục được chi sử dụng. kiến nghị nên lập ứng dụng CNTT (tương tự phần mềm đậu xe ô tô thông minh) để việc thu phí được minh bạch công khai, đơn giản, hiệu quả hơn.”