Học sinh trải nghiệm mô hình giáo dục truyền thống Nho học tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Ngọc Tú |
Bài học lịch sử giáo dục
Hội thảo “Văn Miếu – Quốc Tử Giám và giáo dục Nho học Việt Nam” diễn ra trong bối cảnh ngành giáo dục đang có nhiều đổi mới, nảy sinh nhiều tranh cãi trong cải cách. Vậy nhưng từ lâu, giáo dục Nho học đã trở thành một biểu tượng văn hiến, trí tuệ của Việt Nam. Hình ảnh, học sinh, sinh viên vào dịp lễ 20/11 hay những ngày Tết, trước các kỳ thi quan trọng tìm đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám, xếp hàng dài trong khuôn viên nhà Thái Học thắp hương là minh chứng rõ nét cho tinh thần tôn sư trọng đạo, hiếu học của thế hệ trẻ với những bậc tiền nhân, nhà Nho kiệt xuất.
Chúng ta cần thực hiện sớm ý tưởng này vì việc chuẩn bị nguyên liệu đòi hỏi phải có thiết kế, sáng tạo và thời gian số hóa những điều đó. Với năng lực hiện tại của người Việt, 10 – 15 năm nữa, chúng ta hoàn toàn có thể hiện thức hóa bảo tàng lịch sử khoa cử tại Văn Miếu. Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đặng Văn Bài |
Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà khoa học, nghiên cứu về giáo dục Nho học hiện nay vẫn chưa được đầy đủ. Ở một số di tích lịch sử như Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, tài liệu, hiện vật về nền giáo dục Nho học vẫn còn nhiều hạn chế. Tại các địa điểm di sản văn hóa đó, người dân, du khách và học sinh tiếp cận thông tin, kiến thức về Nho học chủ yếu thông qua lời thuyết minh của các hướng dẫn viên, chưa có những mô hình được tái dựng hấp dẫn.
Vì vậy, tại hội thảo “Văn Miếu – Quốc Tử Giám và giáo dục Nho học Việt Nam”, các nhà nghiên cứu, khoa học đã gợi mở việc tái dựng kỳ thi khoa cử xưa và bảo tàng hóa các tài liệu, hiện vật liên quan đến kỳ thi để người dân, du khách có thể tìm hiểu trực quan, sinh động hơn.
Ý tưởng khả thi
Ý tưởng số hóa các tư liệu, hiện vật về khoa cử đã được các nhà khoa học đề cập nhiều trong các hội thảo. Nhiều ý kiến cho rằng, số hóa tư liệu, hiện vật về lịch sử khoa cử sẽ gặp khó khăn do các tài liệu nghiên cứu về lĩnh vực này còn hạn chế. Mặc dù vậy, biện pháp này là vấn đề sớm muộn phải thực hiện để tránh bị mai một văn hóa các khoa thi. TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhìn nhận: “Trải qua thăng trầm của lịch sử, những hiện vật liên quan đến thi cử, quá trình học của các Nho sinh ngày xưa tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám không còn nhiều. Ý tưởng phục dựng lại kỳ thi và đặc biệt là bảo tàng sử dụng công nghệ là cần thiết”.
Đánh giá về ý tưởng số hóa, bảo tàng hóa hiện vật, tư liệu về lịch sử khoa cử tại Văn Miếu, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đặng Văn Bài chia sẻ: “Bảo tàng lịch sử khoa cử tại Việt Nam hoàn toàn khả thi vì nền giáo dục Nho học Việt Nam đã đào tạo ra nguồn nhân lực quan trọng, trong đó có nhiều nhân tài. Tuy nhiên, xây dựng thành bảo tàng theo nghĩa cổ điển thì không phù hợp. Chúng ta chỉ nên tạo một góc nào đó trưng bày hiện vật, tư liệu điển hình. Cái chính là số hóa các nội dung, hiện vật, hình ảnh dưới hình thức 3D. Thực hiện được ý tưởng đó, truyền thống khoa cử sẽ được lưu giữ và có sức lan tỏa mạnh. Đó cũng là cách thức bảo tồn di sản trong thời kỳ 4.0”
Để thực hiện được ý tưởng xây dựng bảo tàng số hóa về nền giáo dục khoa cử ở Việt Nam, các nhà khoa học lưu ý cần có sự nghiên cứu kỹ càng, thấu đáo, dựa trên những cơ sở khoa học, lịch sử. Đồng thời, cơ quan quản lý cần kiên trì, huy động nguồn lực tài chính vì sử dụng công nghệ hiện đại đòi hỏi kinh phí lớn.