Hoạt động còn đơn lẻ
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố, năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics, thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines. Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14-16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên trên 730 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Dù có sự phát triển tích cực, tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải cho rằng, doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế. Các doanh nghiệp này cũng chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
So với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang nắm giữ nhiều cơ sở hạ tầng, tài sản phục vụ hoạt động logistics. Khối này cũng có lợi thế am hiểu tập quán kinh doanh và khách hàng nội địa, nhưng hoạt động còn đơn lẻ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế....
Trong bối cảnh thị trường kém khả quan đã ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp dịch vụ logistics. Ngoài sức ép cạnh tranh về dịch vụ, các tiêu chuẩn mới của quốc tế và trong nước về môi trường và an toàn giao thông, an toàn lao động cũng đặt các doanh nghiệp dịch vụ logistics trước yêu cầu đổi mới. Các doanh nghiệp logistics toàn cầu khi thuê ngoài dịch vụ yêu cầu tiêu chuẩn khí thải, đòi hỏi doanh nghiệp logistics phải chủ động đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng “xanh hóa”, nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm phát triển bền vững.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ngành logistics, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) Lê Duy Hiệp cho biết, đường đi của ngành logistics Việt Nam còn rất chông gai, gồ ghề. Nguyên nhân là bởi cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và logistics hạn chế, không đồng bộ.... Việt Nam còn thiếu các khu kho vận tập trung có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng, sân bay, đường quốc lộ, cơ sở sản xuất. Đặc biệt, nguồn nhân lực phục vụ cho dịch vụ logistics qua đào tạo bài bản còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu.
Chuyển đổi số để tối ưu hoạt động
Dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhưng các tác động về kinh tế - xã hội sau đại dịch cùng với chiến sự ở Ukraina gây đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm sút nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, tác động mạnh đến các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp dịch vụ logistics nói riêng. Để đưa logistics trở thành một ngành kinh tế quan trọng, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa đủ sức cạnh tranh quốc tế..., chuyển đổi số được xem là giải pháp tối ưu để tăng năng suất, chất lượng của ngành này.
Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho biết, một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ logistics.
Theo nghiên cứu khảo sát của S&P Global 2023, có tới 67% ý kiến doanh nghiệp vận tải và logistics tham gia cho rằng cần phải triển khai chiến lược chuyển đổi số. Với vận chuyển hàng hóa cần phải tăng cường năng lực số hóa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành đang phải đối mặt với rào cản thách thức về tiềm lực tài chính doanh nghiệp còn yếu. Mặc dù doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số nhưng phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn về nguồn vốn để chuyển đổi số. Không những thế, các doanh nghiệp thiếu nguồn nhân lực thích ứng với công nghệ mới…
Với những hiểu biết chuyên sâu thu được từ kinh nghiệm hoạt động toàn cầu, Giám đốc điều hành SLP Vietnam Edwin Chee cho rằng, việc đầu từ vào hệ thống kho thông minh, trung tâm phân phối và cơ sở vật chất đa phương thức hiện đại sẽ hợp lý hóa hoạt động và cho phép vận chuyển hàng hóa hiệu quả hơn. Áp dụng các công nghệ như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu và tự động hóa có thể tăng cường đáng kể hiệu quả hoạt động, quản lý hàng tồn kho, tối ưu hóa tuyến đường và dịch vụ khách hàng.
Việt Nam nên khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng những công nghệ này, bằng các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiện đại để hỗ trợ hoạt động logistics hiệu quả. Ngoài ra, có thể xem xét đưa các chính sách ưu đãi đầu tư, giảm thuế để thu hút thêm đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực logistics. Điều này có thể bao gồm việc thành lập các đặc khu kinh tế hoặc khu công nghiệp với mức giá ưu đãi cho việc áp dụng công nghệ, nghiên cứu và phát triển.