Tiết kiệm thời gian, chi phí
Hiện cả nước có hơn 800.000 DN đang ứng dụng thành công khoa học, công nghệ để thích ứng và phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hầu hết các DN đều có nhu cầu cấp thiết ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để hướng tới tiến trình số hóa toàn bộ nền kinh tế, từ đó hội nhập kinh tế quốc tế một cách thành công.
Thống kê cho thấy, hầu như tất cả các DN (chiếm trên 80%) đều quan tâm đến việc chuyển đổi số. Bởi chỉ chuyển đổi số mới tiết kiệm về thời gian cho các DN, đặc biệt là trong việc làm các thủ tục hành chính, chương trình đầu tư, quản trị thanh toán, quản trị nhân lực. Hiện nhiều DN đã ứng dụng chuyển đổi số để mở rộng về quy mô sản xuất, các hệ thống về kho bãi, kho vận, kho xưởng, mở các văn phòng đại diện, chi nhánh trên lãnh thổ Việt Nam và thế giới.
Việc áp dụng công nghệ số vào quản trị giúp cho các DN tiết kiệm về thời gian, chi phí và tiếp cận các nguồn lực, khách hàng nhanh chóng hơn. Đặc biệt là trong các khâu thanh toán, nếu như trước đây phải đến trực tiếp để giao dịch thì hiện nay DN có thể ngồi tại văn phòng để thực hiện các thủ tục này.
Để chuyển đổi số thành công, các bộ, ngành nên có cơ chế, chính sách tập trung đào tạo tích cực nguồn nhân lực ở các trường THPT, hệ thống dạy nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học, kể cả những trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cho các DN. Vì để chuyển đổi số thành công thì rất cần nguồn lực, nhất là nguồn nhân sự. Nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao chắc chắn chúng ta sẽ chuyển đổi số thất bại.
Thị trường hiện nay đã mở rộng cho các DN Việt Nam. Khi có công nghệ, tài chính, con người… thì chính sách về mặt thị trường cũng vô cùng quan trọng. Do đó, chúng ta phải xây dựng các hệ thống về thành phố hiện đại, thông minh, người tiêu dùng thông minh. Góc độ về mặt thị trường phải được đánh giá một cách tổng thể để đưa các sản phẩm, dịch vụ số, mạng lưới hạ tầng vào các khu đô thị thông minh. Muốn vậy, Nhà nước đứng ra là nơi kết nối trung gian về khoa học công nghệ để làm sao người tiêu dùng, người dân và DN tiếp cận được các giải pháp số.
Ngoài ra, DN muốn tiếp cận Chính phủ số ASEAN+4, giải pháp căn cơ chính là tạo ra một thị trường số để giúp cho việc trao đổi các dịch vụ, nền tảng số thuận lợi một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, phải biết liên kết, hợp tác đầu tư, kêu gọi các nguồn vốn từ các nhà đầu tư, chuyên gia khoa học tiên tiến; hỗ trợ DN tiếp cận công nghệ lõi của các nước hiện đại, đặc biệt là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu. Như vậy, sẽ giúp DN đi nhanh hơn, tiếp cận nhanh chóng hơn và các giải pháp được hiện đại thông minh hơn tạo điều kiện cho người dân và DN, đặc biệt là người tiêu dùng sử dụng sản phẩm số hiện đại nhất với chi phí hợp lý nhất.
Cơ hội cho người đi trước
Nếu không chuyển đổi số, DN sẽ bị thất bại, thụt lùi với xu hướng của thế giới. Do đó, DN phải chuyển đổi về mặt nhận thức, hành động, công nghệ và vấn đề về tài chính. Trong chuyển đổi số, người lãnh đạo của DN là vô cùng quan trọng. Nếu lãnh đạo không thay đổi, cả hệ thống DN không thay đổi. Do đó, việc chính là lãnh đạo các DN phải thay đổi về tư duy và hành động. Bởi nếu chậm chân, chắc chắn DN sẽ mất đi cơ hội bứt phá.
Thứ nữa, trong DN nên chủ động trong việc tiếp cận các chính sách của cơ quan quản lý Nhà nước đang hỗ trợ cho việc chuyển đổi số, cũng như phải tiếp cận những nguồn lực từ phía các đối tác nước ngoài đang hỗ trợ tích cực vấn đề này. Bản thân các đối tác cũng muốn tìm kiếm thị trường, trong đó Việt Nam là thị trường rất tiềm năng.
Ngoài việc mở rộng các hoạt động quy mô sản xuất, đầu tư bằng nguồn lực, họ cũng muốn đưa các nền tảng số, công nghệ số vào để hợp tác với đối tác Việt Nam. Do đó, DN trong nước nên chủ động và cũng phải sàng lọc công nghệ nào tốt, công nghệ phục vụ cho thị trường Việt Nam. Nghĩa là, DN Việt Nam hãy áp dụng và có thể là phối hợp, hợp tác và thực thi, còn cái nào chưa tốt nên loại bỏ sẽ giúp cho thị trường được minh bạch, phát triển bền vững trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công, cộng đồng DN rất mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là các đại biểu Quốc hội, HĐND, chuyên gia kinh tế đưa ra nhiều ý kiến đóng góp về chính sách hỗ trợ tích cực, cụ thể, đặc biệt là những DN đang làm về chuyển đổi số và cung ứng các giải pháp trên nền tảng số như: MobiFone, Viettel, VinaPhone, MISA, EFY Việt Nam… Đây chính là những DN thành viên cốt lõi giúp cho việc chuyển đổi số thành công. Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ về đất đai, tài chính, cung cấp nguồn nhân lực cho chuyển đổi số.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, DN cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác cùng có lợi, bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; đổi mới mô hình quản trị DN; phát triển bền vững. Đồng thời thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất, kinh doanh dựa trên số hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới trong Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh...