Sở hữu trí tuệ - "Chắp cánh" đưa nông sản Thủ đô vươn xa

PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh thương mại ngày càng khốc liệt, các sản phẩm mang đặc trưng của một vùng nhất định có nguy cơ phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại có mẫu mã đẹp nhưng kém chất lượng hoặc sản phẩm gắn nhãn hiệu giả mạo, chưa kể những đòi hỏi ngày càng cao từ thị trường về kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chí thân thiện môi trường.

Việc xây dựng, thực hiện và quản lý nhãn hiệu tập thể không chỉ giúp bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn của sản phẩm đối với người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ, mà còn giúp bảo tồn, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Bởi, khi thương hiệu của sản phẩm có vị thế trên thị trường, giá trị thương phẩm cũng như năng lực cạnh tranh của sản phẩm sẽ được nâng lên rất nhiều và tạo được niềm tin từ người tiêu dùng.

Với ý nghĩa này, trong những năm qua, Sở Khoa học và Công Nghệ Hà Nội đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ và các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai công tác xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông nghiệp của nhiều địa phương trên địa bàn Thành phố.

Có rất nhiều phần việc đã được triển khai đồng bộ và quyết liệt, như: Lập cơ sở dữ liệu về xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể; xây dựng mô hình tổ chức quản lý nhãn hiệu tập thể; thiết lập hệ thống phương tiện, điều kiện, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể; thí điểm hoạt động quản lý và khai thác..., hướng tới mục tiêu hình thành và phát triển thương hiệu nông sản từ các nhãn hiệu tập thể.

Mô hình chăn nuôi gà đồi theo chuỗi tại huyện Sóc Sơn cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh Ánh Ngọc

Với những nỗ lực không ngừng, Hà Nội đã thực hiện bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể cho khoảng 40 sản phẩm nông nghiệp, điển hình là: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt cỏ Vân Đình, nhãn chín muộn Đại Thành - Quốc Oai, chuỗi Cổ Bi, bưởi tôm vàng Đan Phượng, gạo nếp cái hoa vàng Đông Anh..., góp phần xác định thương hiệu, cải thiện năng lực canh tranh, nâng cao giá trị thương phẩm. Phần lớn các sản phẩm sau khi được bảo hộ, giá bán tăng thêm từ 15 - 20%; thị trường được mở rộng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán, tiếp thị, cung ứng các sản phẩm cho các siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài thành phố. Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong những năm qua, bảo hộ nhãn hiệu tập thể đã chắp cánh cho nông sản của Thủ đô vươn xa như:

Mở đường đi cho nhãn chín muộn Đại Thành - Quốc Oai

Được coi là "quê hương" của nhãn chín muộn, xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) có hơn 115ha đang cho thu hoạch. Đây cũng là vùng đất lưu giữ và bảo tồn cây nhãn tổ có từ hàng trăm năm nay. Là một trong những hộ trồng nhãn chín muộn lâu năm nhất trong vùng, anh Nguyễn Văn Thành chia sẻ, nhãn chín muộn có 2 giống, đó là giống nhãn muộn HTM1 (quả méo) và HTM2 (quả tròn) với đặc điểm: Quả to, cùi dày, trọng lượng trung bình từ 50 đến 60 quả/kg và chín muộn hơn các giống nhãn khác từ 30 đến 45 ngày nên được gọi là nhãn chín muộn.

Theo anh Thành, trước kia trong vườn mỗi gia đình ở Đại Thành đều có một vài cây nhãn chín muộn. Ban đầu nhãn được trồng chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình nên năng suất, chất lượng không cao. Từ năm 2012, khi Hà Nội triển khai Đề án phát triển cây ăn quả đặc sản, nhãn chín muộn được chọn là một trong những cây trồng được tập trung và đầu tư phát triển. Với sự hỗ trợ về kỹ thuật, nhân rộng nguồn giống, đến nay đa số người dân Đại Thành đã phát triển được mô hình trồng nhãn chất lượng cao.

Đặc biệt, năm 2013, nhãn chín muộn Đại Thành Quốc Oai được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Từ đó đến nay, sản phẩm nhãn chín muộn Đại Thành được xuất khẩu tới một số nước và bán trong hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch của Hà Nội.

Đánh giá về giá trị kinh tế của nhãn chín muộn, theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, nhãn chín muộn không chỉ là cây ăn quả đặc sản của Hà Nội mà còn là cây trồng chiến lược của huyện Quốc Oai nói chung, xã Đại Thành nói riêng. Nhờ cây trồng này, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu và ổn định cuộc sống.

Có thể nói, nhờ được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, sản phẩm nhãn chín muộn đã có chỗ đứng vững vàng trên thị trường và được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, hiện tổng diện tích nhãn chín muộn của toàn thành phố khoảng hơn 500ha, tập trung ở huyện Hoài Đức và Quốc Oai, sản lượng bình quân đạt từ 8.000 đến 9.000 tấn/vụ. Năng suất bình quân 20 tấn/ha; cá biệt có diện tích đạt 50 tấn/ha, với giá bán buôn tại vườn trung bình 40.000 đồng/kg, hầu hết các vườn thu tiền tỷ/ha.

Cán bộ Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá chất lượng nhãn muộn xuất khẩu niên vụ 2019. Ảnh: Ánh Ngọc

Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nông sản

Xây dựng thương hiệu nông sản không còn là việc riêng của từng địa phương mà trở thành chiến lược phát triển chung của TP Hà Nội. Đây là cơ hội để các hộ nhỏ lẻ tập hợp thành một tổ chức có quyền lợi chung nhằm phát huy sức mạnh tập thể trong cơ chế thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xác lập giá trị, cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả và bền vững.

Là huyện đồng bằng ven đô nằm ở phía Tây của Hà Nội, Đan Phượng có tổng diện tích tự nhiên là 7.657ha, trong đó, diện tích sản xuất nông nghiệp là 3.900ha, có điều kiện địa hình, thổ nhưỡng thuận lợi cho việc trồng cây ăn quả. Bưởi tôm vàng là một trong những trái cây đặc sản của huyện Đan Phượng. Loại cây này được trồng trên đồng đất Đan Phượng từ năm 1995 và phát triển đến nay được gần 400ha. Bưởi tôm vàng Đan Phượng quả nhỏ, vỏ vàng, cùi mỏng, múi to và đều, tép bưởi màu vàng nhạt, ráo nước, giòn, có vị ngọt dịu, không he, được người tiêu dùng ưa chuộng...

Năm 2012, sản phẩm bưởi tôm vàng Đan Phượng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Từ khi có thương hiệu, bưởi tôm vàng của huyện đã cung cấp cho nhiều siêu thị, giá bán cao và ổn định, trung bình từ 35.000 đến 60.000 đồng/quả.

Tương tự, sản phẩm cam Canh ở xã Kim An (huyện Thanh Oai) sau khi có nhãn hiệu, việc tiêu thụ cũng ổn định. Đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp Kim An, ông Đỗ Hùng Cường chia sẻ: Từ khi được ngành Nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và được công nhận nhãn hiệu tập thể, giá bán cam Canh Kim An luôn ổn định và không còn phải lo đầu ra. Hiện nay, trung bình mỗi héc ta trồng cam Canh ở địa phương này cho thu nhập 700 triệu đồng, tăng hơn 20% so với thời điểm chưa có nhãn hiệu...

Không chỉ bưởi tôm vàng Đan Phượng hay cam Canh Kim An, mà nhiều sản phẩm nông sản của Hà Nội sau khi có thương hiệu, giá bán và mức tiêu thụ đã tăng cao hơn so với sản phẩm thông thường và thị trường tiêu thụ dần đi vào ổn định. Theo thống kê từ Sở NN&PTNT Hà Nội, sau khi có nhãn hiệu, giá trị nông sản của Hà Nội tăng đáng kể, từ 20 đến 25%.

Đến nay, Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản, như: Nhãn chín muộn Đại Thành (huyện Quốc Oai), gạo thơm Bối Khê (huyện Thanh Oai), gạo hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây và vịt cỏ Vân Đình (huyện Ứng Hòa)...

Đặc biệt, năm 2019, Thành phố Hà Nội đã cho phép sử dụng 04 địa danh để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể: Rượu làng Ngâu (xã Tam Hiệp, Thanh Trì); Mật ong Kim Sơn - Sơn Tây (Sơn Tây, thị xã Sơn Tây); Rau cần Khai Thái (Phú Xuyên); Rắn Lệ Mật (Việt Hưng, Long Biên); Bưởi Vân Hà (Phúc Thọ).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần