Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sở hữu trí tuệ - công cụ tăng sức cạnh tranh, giá trị sản phẩm

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Hà Nội đã có nhiều cách làm cụ thể, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về tăng cường ứng dụng sở hữu trí tuệ (SHTT) bảo vệ lợi ích của các chủ sở hữu.

Đẩy mạnh khai thác và phát triển tài sản trí tuệ

Những năm gần đây, hoạt động SHTT trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều khởi sắc, đóng góp quan trọng cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo nói riêng và phát triển kinh tế -  xã hội thành phố nói chung. Thành công của chương trình là tiền đề quan trọng để Hà Nội hiện thực hóa Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố đến năm 2030.

Theo số liệu thống kê, đến hết quý 2  năm 2023, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội là 4.335 đơn, chiếm 34,3% cả nước. Trong đó 96 đơn sáng chế, 48 đơn giải pháp hữu ích, 155 đơn kiểu dáng công nghiệp, 4.036 đơn nhãn hiệu. Số lượng bằng chứng nhận sở hữu công nghiệp trên địa bàn thành phố là 1.402, trong đó có 80 bằng sáng chế, 87 bằng giải pháp hữu ích, 131 bằng kiểu dáng công nghiệp, 1.104 bằng nhãn hiệu.

Các đại biểu tham quan triển lãm kết quả phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn Hà Nội năm 2023.
Các đại biểu tham quan triển lãm kết quả phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn Hà Nội năm 2023.

Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của thành phố đã có tác động tích cực, hiệu quả, ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm bảo hộ tài sản trí tuệ, góp phần nâng cao nhận thức và sự quan tâm của các ngành, các cấp và các doanh nghiệp tại địa phương trong việc xác lập và quản lý tài sản trí tuệ cho các sản phẩm nông sản của thành phố. Qua đó, tạo điều kiện để tổ chức triển khai quản lý, khai thác thương mại sản phẩm, nâng cao uy tín, chất lượng, giá trị và mở rộng thị trường của sản phẩm nông sản, góp phần hỗ trợ nhà sản xuất ổn định, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, giúp cho người dân nâng cao thu nhập.

Là một trong những sản phẩm nông sản thuộc chương trình phát triển tài sản trí tuệ của UBND TP Hà Nội,  Bưởi Đỏ Đông Cao (xã Tráng Việt, Mê Linh) được dán tem truy xuất nguồn gốc và logo nhãn hiệu tập thể để người tiêu dùng dễ nhận biết và phân biệt. Thông qua dự án, năng lực quản lý và phát triển nhãn hiệu của Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Cao được cải thiện. Đồng thời chính quyền, người dân nhận thức được giá trị của việc xây dựng thương hiệu cho rau an toàn của địa phương, nhằm khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Cao Lương Văn Phương cho biết, kể từ khi tham gia chương trình phát triển tài sản trí tuệ của Sở KH&CN Hà Nội, sản phẩm bưởi đỏ Đông Cao đã có mặt nhiều cửa hàng tiện lợi, các chuỗi siêu thị lớn trên cả nước. Việc được cấp đăng ký nhãn hiệu tập thể đã giúp sản phẩm trở thành thương hiệu có uy tín trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Giữ vững “phong độ” cho nhãn hiệu

Có thể khẳng định chương trình phát triển tài sản trí tuệ của UBND TP Hà Nội đã và đang triển khai hàng loạt các sản phẩm thuộc các địa danh đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. Với việc được bảo hộ, các sản phẩm bước đầu được người tiêu dùng biết đến thông qua hệ thống nhận diện và được quảng bá rộng rãi, chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao, đồng đều nhờ được sản xuất theo quy trình chung, duy trì danh tiếng, uy tín, nâng cao giá trị của sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm đã khó, nhưng “bài toán” giữ vững và phát triển nhãn hiệu lại càng khó hơn. Đòi hỏi chủ thể cần phải xây dựng và thực hiện đúng quy chế quản lý sử dụng nhãn hiệu, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, vai trò của các hội viên trong giám sát chất lượng sản phẩm, tạo sự đoàn kết trong sản xuất, kinh doanh; tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm SHTT thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để sản phẩm có tính lan tỏa, nhân rộng trên quy mô lớn.

Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong thời gian tới, để chủ động xây dựng và triển khai các nhiệm vụ SHTT trên địa bàn thành phố, Sở sẽ tổ chức triển khai các biện pháp nhằm gắn kết với đổi mới, sáng tạo, qua đó gia tăng cả về số lượng và chất lượng của các sản phẩm nông sản. Xây dựng và triển khai các chương trình khoa học và công nghệ, phối hợp với các viện, trường hợp tác với doanh nghiệp để tạo ra kết quả nghiên cứu được bảo hộ quyền SHTT. Hướng dẫn doanh nghiệp tạo dựng và khai thác hiệu quả các chỉ dẫn thương mại cho sản phẩm, dịch vụ của mình; hỗ trợ đăng ký bảo hộ về SHTT; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng công cụ SHTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Song song với đó, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu  quả chỉ dẫn địa lý, nguồn gen, tri thức truyền thống, bí quyết kỹ thuật, văn hóa dân gian nhằm khai thác tiềm năng sản phẩm có thế mạnh của Thủ đô. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức và kiến thức về bảo hộ quyền SHTT, chủ động bảo vệ quyền SHTT của mình và tôn trọng quyền SHTT của tổ chức, cá nhân khác.

Tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ quyền SHTT, đăng ký ra nước ngoài đối với các hàng hóa, sản phẩm có khả năng xuất khẩu cao. Ưu tiên việc áp dụng sáng chế, giải pháp hữu ích nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chủ lực trên địa bàn thành phố.