Quận Hoàn Kiếm:

Sơ kết 1 năm thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hội nghị đều thống nhất nhận định sau 1 năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị đã mang lại hiệu quả bước đầu trong điều hành, quản lý, thực thi nhiệm vụ phục vụ công dân và tổ chức.

Ngày 20/7, Quận ủy Hoàn Kiếm tổ chức Hội nghị Sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 97 ngày 27/11/2019 của Quốc hội và Nghị định số 32 ngày 29/3/2021 của Chính phủ về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 15 ngày 13/5/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”.

Các đại biểu dự Hội nghị
Các đại biểu dự Hội nghị

Tại hội nghị, sau khi nghe báo cáo, đã có 4 ý kiến phát biểu, thảo luận tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm của các đại biểu.

Nhìn chung, các ý kiến đều thống nhất cao với những đánh giá, kết quả đạt được sau 1 năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị; đồng thời, đề xuất một số giải pháp để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND quận giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Tại Hội nghị, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định phát biểu về việc thực hiện Nghị quyết số 97 ngày 27/11/2019 của Quốc hội và Nghị định số 32 ngày 29/3/2021 của Chính phủ về thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại quận Hoàn Kiếm.

Theo đó, báo cáo của Ban Thường vụ Quận ủy và các ý kiến thảo luận tại Hội nghị đều thống nhất nhận định sau 1 năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị đã mang lại hiệu quả bước đầu trong điều hành, quản lý, thực thi nhiệm vụ phục vụ công dân và tổ chức.

Trong đó, một số kết quả nổi bật là, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về sự cần thiết phải của thực hiện mô hình chính quyền đô thị được nâng lên; cán bộ, công chức các phường phấn khởi và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao ngay từ những ngày đầu thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ tại UBND các phường được Quận ủy, HĐND và UBND quận triển khai thực nghiêm túc, đúng quy định. Sau sắp xếp đã giảm 26 chức danh lãnh đạo quản lý đạo quản lý cấp phường (đạt 32%); giảm 16 công chức phường (đạt 10%).

Tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả; kịp thời triển khai thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, tạo sự ổn định về tổ chức và hoạt động của chính quyền phường.

Công tác giải quyết các vấn đề liên quan đến người dân và doanh nghiệp được thực hiện nhanh gọn, đặc biệt là mô hình “Các Thủ tục hành chính không chờ” nhằm nâng cao mức độ hài lòng người dân, tạo “điểm nhấn” thay đổi rõ nét. Qua 01 tháng triển khai, tổng số hồ sơ đã tiếp nhận thuộc TTHC thí điểm “không chờ” đã giải quyết đạt tỷ lệ 99,48%.

Mối quan hệ giữa cơ quan hành chính phường với các cấp ủy Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tại phường có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ hơn. Quyền dân chủ và giám sát của nhân dân được bảo đảm, tăng cường hình thức giám sát trực tiếp của nhân dân hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức chính trị - xã hội.

Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định phát biểu tại Hội nghị
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định phát biểu tại Hội nghị

Tuy nhiên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận cũng nêu, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng thống nhất chỉ ra những hạn chế, đó là: Việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị ở một số phường chưa thực sự hiệu quả, chưa thực sự tạo chuyển biến mạnh mẽ; một số đơn vị trong thời gian đầu làm quen với mô hình mới, còn nhiều lúng túng, chưa kịp thời đổi mới phương pháp, cách thức quản lý và điều hành hoạt động của UBND phường.

Việc xây dựng Quy trình nội bộ để giải quyết các công việc hành chính (ngoài bộ quy trình ISO giải quyết thủ tục hành chính) của từng phường chưa được thực hiện đầy đủ, thường xuyên, có nơi còn mang tính hình thức.

Về Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án số 15 của Ban Thường vụ Thành ủy, căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, Chương trình công tác số 01, ngày 17/3/2021 của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Đề án số 15 về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội” nhằm tiếp tục đổi mới, khắc phục tồn tại, hạn chế; phát huy những kết quả tích cực đã đạt được để tạo sự chuyển biến đồng bộ, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của HĐND trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Theo đó, Đề án hướng tới các mục tiêu: Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HĐND các cấp; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, chất lượng hoạt động của đại biểu dân cử; phát huy hơn nữa vai trò của HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân; thực hiện có hiệu quả về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội theo Kết luận số 46 ngày 19/4/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 97 ngày 28/11/2019 của Quốc hội.

Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiễm Vũ Đăng Định cho biết, căn cứ Đề án của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Thường vụ Quận ủy Hoàn Kiếm đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án số 15 nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND quận, chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND quận; phát huy hơn nữa vai trò của HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân quận Hoàn Kiếm.

Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định nhấn mạnh, thời gian tới, trong bối cảnh triển khai khối lượng lớn công việc của toàn quận, đề nghị cấp ủy, tổ chức đảng bám sát chỉ đạo của Thành ủy, Quận ủy, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định phát biểu tại Hội nghị
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định phát biểu tại Hội nghị

Thứ nhất, các cấp ủy đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 97 ngày 27/11/2019 của Quốc hội và Nghị định số 32 ngày 29/3/2021 của Chính phủ về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 18 phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm; đồng thời thực hiện có hiệu quả Đề án 21 của Thành ủy, Đề án số 29 ngày 15/10/2021 của Quận ủy về “sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp phường, tổ dân phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm” đảm bảo đúng quy định.
Thứ hai, thực hiện tốt hơn công tác kiểm tra, giám sát và thường xuyên tự kiểm tra, giám sát của mỗi cấp uỷ, mỗi cấp chính quyền và của cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; linh hoạt, sáng tạo phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương.
Tăng cường kiểm tra công vụ theo chuyên đề, tái kiểm tra theo chuyên đề về kỷ luật, kỷ cương hành chính, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, góp phần chấn chỉnh kịp thời các sai phạm của các tập thể, cá nhân trong thi hành công vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cơ sở. Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với các vị trí được quy định tại Nghị định số 59 ngày 1/7/2019 của Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của đội ngũ công chức, viên chức.
Tổ chức tốt Kỳ thi tuyển công chức phường năm 2022 để bổ sung công chức còn thiếu tại các vị trí việc làm của UBND phường, đảm bảo các phường đủ điều kiện nhân lực để thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành nội bộ của UBND quận, phường. Tiếp tục tổ chức thực hiện “TTHC không chờ” trên toàn quận để thực hiện TTHC không chờ đi vào nền nếp, trở thành hoạt động thường xuyên của đơn vị, thực sự mang lại tiện ích cho người dân khi tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Thứ tư, cấp ủy, tổ chức đảng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc nội dung Đề án 15 của Ban Thường vụ Thành ủy, Kế hoạch của Ban Thường vụ Quận ủy để triển khai thực hiện nghiêm túc, chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

Tiếp tục chủ động, đổi mới, nâng cao trách nhiệm, của Thường trực HĐND, các Ban HĐND và mỗi đại biểu HĐND. Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và các nhóm chỉ tiêu chủ yếu trong Đề án của Ban Thường vụ Thành ủy, Kế hoạch của Ban Thường vụ Quận ủy để triển khai thực hiện linh hoạt, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Thứ năm, tăng cường công tác phối hợp giữa HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị trong các hoạt động, đặc biệt là trong tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân về vai trò, vị trí, chức năng của HĐND các cấp; vận động Nhân dân tham gia giám sát, tiếp xúc cử tri; phối hợp theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị cử tri, khiếu nại, tố cáo của công dân; tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân và tổ chức phản biện xã hội những nội dung cơ chế, chính sách của Thành phố, của quận Hoàn Kiếm liên quan trực tiếp đến đông đảo Nhân dân.
Thứ sáu, mỗi đại biểu HĐND quận cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu; duy trì và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ quận để triển khai các hoạt động đảm bảo hiệu quả, thực chất, trong đó tăng cường các hoạt động giám sát, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri và Nhân dân nơi địa phương ứng cử.
Thứ bảy, tiếp tục quan tâm, kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở các cấp theo quy định của luật. Thường trực HĐND quận chủ động tham mưu với Ban Thường vụ Quận ủy về công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, giới thiệu, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển đội ngũ cán bộ là đại biểu HĐND, nhất là số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc trực tiếp cho HĐND. Quan tâm bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hiệu quả hoạt động của HĐND.
Thứ tám, đề nghị Thường trực HĐND, các Ban HĐND, đại biểu HĐND quận tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của mình trong các hoạt động; đặc biệt tập trung thực hiện một số nhiệm vụ nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 97 của Quốc hội như: Tăng cường giám sát triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, các cơ quan chuyên môn của UBND quận, Chủ tịch UBND phường.

Tăng cường tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri giữa đại biểu HĐND quận với cử tri các phường theo tháng, quý; tham dự đầy đủ các Hội nghị đối thoại Chủ tịch UBND phường với Nhân dân.