Số lao động thất nghiệp giảm mạnh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cùng với việc thực hiện các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng, từ nay đến cuối năm, tình hình lao động mất việc của khối DN sẽ tiếp tục giảm.

KTĐT - Bộ Lao động dự báo, cùng với việc thực hiện các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng, từ nay đến cuối năm, tình hình lao động mất việc của khối doanh nghiệp sẽ tiếp tục giảm.

Trong quý 3, cả nước có gần 11.200 lao động làm việc tại các doanh nghiệp mất việc, giảm 83% so với quý 1. Các tỉnh thành trước tập trung hàng chục nghìn lao động mất việc như TP HCM, Bình Dương thì nay chỉ khoảng 500.

Theo báo cáo ngày 9/11 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Hà Nội không có lao động mất việc làm trong quý 3, trong khi đó quý 1 có tới hơn 13.000. Hải Phòng cũng không có lao động bị sa thải, trong khi quý 1 có hơn 4.000.

Tuy nhiên, còn nhiều địa phương có số lao động mất việc làm cao như Đà Nẵng (gần 3.000), Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nam Định, mỗi tỉnh hơn 1.000. Số này tập trung vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh doanh các ngành giày da, may mặc, chế biến hải sản, xây dựng, công nghiệp ôtô, điện - điện tử, chế biến gỗ.

Bộ Lao động dự báo, cùng với việc thực hiện các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng, từ nay đến cuối năm, tình hình lao động mất việc của khối doanh nghiệp sẽ tiếp tục giảm. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tăng cao trong 3 tháng cuối năm. Tỉnh Bình Dương dự kiến tuyển 20.000, Long An 8.700 và Vĩnh Long 7.000...

Trong khi đó bức tranh việc làm của các làng nghề, hợp tác xã vẫn màu xám. Theo báo cáo của 59 tỉnh thành, đến hết tháng 9 số lao động mất việc ở khu vực này là hơn 40.000. Ngoài ra còn hơn 100.000 người thiếu việc, phải nghỉ luân phiên, giảm giờ làm. Nguyên do là không có đơn đặt hàng, thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, không bán được sản phẩm.

Riêng thị trường lao động cấp cao đang có dấu hiệu phục hồi. Theo VietnamWorks.com, nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng trực tuyến lớn tại Việt Nam, chỉ số cầu nhân lực trực tuyến trong quý 3 tăng 11,4% so với quý 2 và tăng 52,4% so với quý đầu năm. Nhu cầu nhân lực của 24 trong tổng số 50 ngành nghề tăng, 21 ngành nghề khác không tăng không giảm.

Top 5 ngành nghề có nhu cầu nhân lực trực tuyến cao trong quý 3, đó là bán hàng (nhu cầu tăng 12,5% so với quý 2), kế đó là kế toán/tài chính, kỹ sư, hành chính/thư ký và công nghệ thông tin - phần mềm.

Quý 3 chứng kiến xu hướng mới trong tuyển dụng người nước ngoài cho các vị trí quản lý. Kinh tế suy thoái, người nước ngoài, kể cả Việt kiều, có xu hướng đến Việt Nam tìm việc, hình thành một xu hướng mới “tuyển nhân sự quốc tế với giá địa phương”. Những người này có kinh nghiệm và kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế, nhưng đã sống tại Việt Nam và thực sự muốn ở lại nên nhà tuyển dụng không phải tốn thêm chi phí để họ chuyển đến đây.

Ông Chris Harvey, Tổng giám đốc VietnamWorks.com cho biết: “Thị trường đã bắt đầu hồi phục, các công ty đang chuyển dần sang trạng thái phát triển. Tuy nhiên, sẽ phải mất thêm thời gian thị trường lao động mới có thể sôi động như cách đây khoảng 18 tháng. Người tìm việc nói chung nên lưu ý trong thời gian hiện tại, họ vẫn khó có thể “mặc cả” với nhà tuyển dụng khi đàm phán lương”.