Bảo đảm công bằng và bình đẳng trước pháp luật
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Tống Thị Thanh Nam cho biết, tại Hà Nội số lượng vụ việc TGPL tăng mạnh trong giai đoạn từ năm 2018 đến tháng 6/2020. Cụ thể, số lượng vụ việc tham gia tố tụng năm 2018 là 567 vụ, năm 2019 tăng lên là 612 vụ và 6 tháng đầu năm 2020 là 466 vụ. Nguồn lực để thực hiện TGPL đã được bảo đảm, nhất là đội ngũ trợ giúp viên pháp lý. Tỷ lệ số lượng trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu tham gia vụ việc tố tụng tăng từ 50 - 60% lên đến 94,9% qua các năm. Đội ngũ trợ giúp viên pháp lý ngày càng trưởng thành và khẳng định được vai trò trong việc thực hiện TGPL, nhất là lĩnh vực tham gia tố tụng. Chất lượng các vụ việc TGPL trong lĩnh vực tham gia tố tụng ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, nhận được sự phản hồi tích cực của người được TGPL.
Hà Nội cũng thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thực hiện TGPL theo hướng chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tranh tụng. Nhờ đó, trợ giúp viên pháp lý thực hiện TGPL tăng cả về số lượng, chất lượng và đa dạng hóa về tội danh.
Sau 5 năm thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, ban, ngành đoàn thể TP và các tổ chức, cá nhân về công tác này đã nâng lên. Đặc biệt, nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, phối hợp tương đối chặt chẽ, thường xuyên với Trung tâm để thực hiện TGPL trong tố tụng. Qua đó, góp phần bảo đảm tính khách quan, toàn diện, đánh giá đúng bản chất của vụ việc, bảo đảm sự công bằng và bình đẳng trước pháp luật, xử lý đúng người, đúng tội, tránh oan sai, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng được TGPL.
Nhiều người chưa biết đến TGPL
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội cho hay, dù số lượng vụ việc TGPL tăng mạnh nhưng vẫn chưa phản ánh được đúng nhu cầu TGPL của người dân trên địa bàn, do nhiều người chưa biết đến hình thức này và các tổ chức thực hiện. Chức danh trợ giúp viên pháp lý còn rất mới trong nhận thức của người dân, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế về người thực hiện TGPL phải là luật sư, dẫn tới sự nhìn nhận khác nhau giữa trợ giúp viên pháp lý và luật sư...
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới công tác TGPL, TP Hà Nội kiến nghị Bộ Tư pháp sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Đề án với mục tiêu tạo bước chuyển biến căn bản, đột phá trong việc nâng cao chất lượng, chuyên nghiệp hóa hoạt động TGPL đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính xây dựng Nhà nước pháp quyền hội nhập kinh tế, quốc tế. Tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu, cơ chế bảo đảm quyền được TGPL, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp làm trọng tâm, tránh bỏ sót người cần giúp đỡ pháp lý, tạo cơ chế linh hoạt hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác này, lấy lực lượng trợ giúp viên pháp lý làm nòng cốt thực hiện TGPL...
Theo Cục trưởng Cục TGPL (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Minh, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức thi hành hiệu quả Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn. Nâng cao chất lượng dịch vụ và năng lực cho đội ngũ thực hiện TGPL để góp phần bảo đảm an sinh xã hội; phối hợp chặt chẽ và tốt hơn nữa với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức có liên quan trong việc nâng cao hiệu quả công tác này, nhất là công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng.