Số một chưa nói lên điều gì

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại NEPCON Vietnam 2015 - triển lãm duy nhất về công nghệ SMT, thiết bị, công nghệ kiểm tra, và các ngành công nghiệp hỗ trợ cho chế tạo điện tử tại Việt Nam, Giám đốc marketing của LG Electronics Thái Lan đánh giá: Công nghiệp điện tử Việt Nam nhắm ngôi vị số 1 ASEAN.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thực tế ngành công nghiệp điện, điện tử trong nước đã có những bước tiến dài. Nếu trước năm 1996, ngành điện tử Việt Nam còn chưa có sản phẩm xuất khẩu (XK) thì đến nay đã có hàng triệu sản phẩm XK sang hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2013, lần đầu tiên điện tử đã vượt qua may mặc trở thành ngành hàng có kim ngạch XK lớn nhất, đạt khoảng 32,2 tỷ USD, tăng 57% so với năm 2012. Đến năm 2014, XK ngành hàng này tiếp tục đạt mức tăng 12% và chiếm hơn 44% tổng kim ngạch hàng hóa XK của cả nước. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp điện tử, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030, xây dựng Việt Nam thành một nước sản xuất lớn về thiết bị điện tử... Với sự đóng góp cũng như có những chiến lược ưu tiên kể trên, sản phẩm công nghiệp điện tử của Việt Nam đang nhắm tới ngôi vị số 1 ASEAN cũng không có gì lạ.

Nhưng điều quan trọng là với việc đạt được ngôi vị này, Việt Nam được gì và lợi nhuận thực sự mang lại là bao nhiêu? Thực tế, mặc dù đóng vai trò lớn trong XK, nhưng ngành điện tử Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử. Phần lớn lợi nhuận thuộc về các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo thống kê, các DN FDI chỉ chiếm khoảng 1/3 trong tổng số DN điện tử tại Việt Nam nhưng lại sở hữu nhiều công nghệ cao, chiếm trên 80% thị trường trong nước và trên 90% kim ngạch XK. Chưa hết, trong tỷ lệ rất nhỏ đó, Việt Nam cũng đang được hưởng giá trị gia tăng rất thấp vì phải nhập khẩu hầu hết nguyên liệu.

Không thể trực tiếp sản xuất, các DN Việt Nam cũng không đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các thương hiệu điện tử lớn đang có nhà máy tại Việt Nam. Minh chứng rõ nhất là vừa qua, trong số 90 DN vệ tinh đang cung cấp linh kiện, phụ kiện cho Samsung, tỷ lệ DN Việt Nam chỉ khoảng dưới 10% (tức là khoảng 6 - 7 DN). Nên có nói Việt Nam hướng tới ngôi vị số 1 ASEAN thì phần thưởng này cũng không dành cho các DN trong nước.

Nói như vậy không có nghĩa là ngành công nghiệp điện tử trong nước đã không còn nhiều cơ hội phát triển. Nhiều năm trước, ít ai có thể ngờ rằng Việt Nam có thể vươn lên XK phần mềm, bảng vi mạch…, nhưng nay đã là hiện thực. Điều quan trọng là cùng với những chính sách ưu đãi phát triển ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ, các DN trong nước cũng cần có quyết tâm, dám làm thay vì vin vào những khó khăn để đứng nhìn thị trường bị DN ngoại lấn sân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần