Ngày 22/8, Sở Ngoại vụ Hà Nội tổ chức Hội nghị “Thông tin và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về công tác lễ tân đối ngoại Hà Nội năm 2023” cho hơn 100 cán bộ quận, huyện và các sở, ban, ngành của thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, bà Vũ Hoàng Yến, Cục phó Cục Lễ tân Nhà nước – Bộ Ngoại giao, cho biết các quy tắc về hoạt động lễ tân, đối ngoại được quy định rõ trong Pháp lệnh 1993 về Quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và đảm bảo quyền ưu đãi miễn trừ cho cán bộ ngoại giao tại địa phương.
Pháp lệnh 1993 được xây dựng dựa trên hàng loạt các công ước quốc tế như Công ước Viên về Quan hệ ngoại giao ban hành ngày 18/4/1961, Công ước Viên về Quan hệ lãnh sự ban hành ngày 24/4/1963, và Công ước năm 1947 về quyền ưu đãi, miễn trừ của các tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc.
Với sáu chương và 47 điều, Pháp lệnh 1993 đã đặt ra những quy định chung đối với hoạt động lễ tân, đối ngoại của Việt Nam, và là cơ sở để Hà Nội xây dựng nguyên tắc đối với các hoạt động đối ngoại của thành phố.
Hiện tại, có khoảng hơn 120 đại sứ quán, tổng lãnh sự và cơ quan đại diện của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có 80 đại sứ quán và 20 cơ quan đại diện có văn phòng tại Hà Nội.
Theo Cục phó Cục Lễ tân Nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương cần chú ý tới các quy tắc, cấp độ ngoại giao để thực hiện các ưu đãi, miễn trừ tương ứng.
“Ngoài các quy tắc đã được luật hóa, hoạt động đối ngoại lễ tân cũng có nhiều vấn đề mới chưa được quy định cụ thể tại Việt Nam, hoặc có quy định khác nhau tại các quốc gia,” bà Yến cho biết.
Các vấn đề đó bao gồm hôn nhân đồng giới, chế độ đa thê, các vấn đề liên quan đến Covid-19. Thêm vào đó, hệ thống thông tin liên lạc của Bộ, ngành, địa phương chưa có sự tương thích và liên thông.
Ngoài ra, còn một số hành động lợi dụng quyền ưu đãi miễn trừ đối với cơ quan, tổ chức nước ngoài, Cục phó Cục Lễ tân Nhà nước cho biết.
Ông Trần Xuân Thủy, Trưởng phòng Nghiên cứu, Cục Lễ tân Nhà nước nhấn mạnh hoạt động lễ tân phải có bản sắc, thể hiện được nét văn hóa của chủ nhà.
Ông Thủy lấy ví dụ về chuỗi sự kiện Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 12 được tổ chức vào trung tuần tháng 4/2023 vừa qua, trong đó, tại các buổi tiệc chiêu đãi đại biểu Pháp, ban tổ chức đã khéo léo đưa các món ăn đặc sắc của Hà Nội vào trong thực đơn.
“Việc đưa ẩm thực Hà Nội kết hợp với rượu vang Pháp đã thể hiện sự giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia,” đại diện Cục Lễ tân Nhà nước cho biết.
Ông Thủy cũng nói thêm rằng với mỗi sự kiện đối ngoại, luôn tồn tại các rủi ro nhất định liên quan đến thời tiết, an ninh, giao thông, vệ sinh… Những rủi ro này đòi hỏi cán bộ lễ tân phải quyết đoán, dám ra quyết định “vượt cấp” tại thực địa để đảm bảo sự kiện diễn ra trôi chảy, tốt đẹp.
Tại hội nghị, các cán bộ quận, huyện và sở, ban, ngành đã tham gia các bài tập thực hành mô phỏng lễ ký kết văn kiện giữa Việt Nam và Pháp, cũng như trải nghiệm các quy tắc trên bàn tiệc theo phong cách phương Tây.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động lễ tân đối với hình ảnh của cả thành phố, đất nước trong mắt bạn bè, cộng đồng quốc tế.
“Với quan hệ hợp tác cùng hơn 100 địa phương trên thế giới, vị thế của Hà Nội trong cộng đồng quốc tế đang trở nên ngày càng vững mạnh, tăng cường,” ông Quyền nói.
Phó Chủ tịch thành phố yêu cầu các cơ quan, chính quyền thành phố phải đón tiếp khách mời niềm nở, trọng thị và chu đáo, tránh xảy ra sai sót vì đó là những ấn tượng, hình ảnh trực diện, sâu sắc và khó quên trong hoạt động đối ngoại, lễ tân.