Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sợ phạt, ý thức tham gia giao thông chuyển biến

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đường phố Hà Nội ngày đi làm đầu tiên của năm mới đông đúc, nhưng đại đa số người dân đều chấp hành nghiêm túc hiệu lệnh của đèn tín hiệu. Một số người vi phạm bị CSGT phạt nặng theo quy định mới.

Xử lý nghiêm vi phạm

Sáng ngày 2/1, người dân quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch ngắn ngày. Cũng thời điểm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực ngày thứ 2.

Tại nghị định mới này, tăng nặng mức xử phạt và áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX). Ngay lập tức, Phòng CSGT đã triển khai đồng loạt biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý vi phạm.

Trên tuyến đường Nguyễn Xiển, người dân tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh.
Trên tuyến đường Nguyễn Xiển, người dân tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh.

Tại các tuyến đường, nhiều chốt trực xử lý vi phạm giao thông được bố trí, Bước đầu tạo hiệu quả tích cực, nâng cao ý thức chấp hành của người dân.

Ghi nhận của phóng viên trên các tuyến đường như Trần Phú, Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Giải Phóng, Phạm Hùng, đại đa số người dân chấp hành tốt các quy định khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người dân cố tình vi phạm mặc dù biết mức phạt rất cao. Các trường hợp vi phạm tập trung chủ yếu vào người đi xe máy.

Có mặt tại ngã tư Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), hầu hết người tham gia giao thông đã chấp hành nghiêm quy định an toàn giao thông. Tuy nhiên, trong giờ cao điểm sáng, CSGT đã lập biên bản xử phạt 20 trường hợp xe máy vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Nghị định 168/2024 quy định mức phạt 2 lỗi này từ 4 - 6 triệu đồng.

Chị N.T.H. (SN 2004, trú tại Hoàng Mai) vi phạm lỗi vượt đèn đỏ, bật khóc khi gặp CSGT. Chị H. cho biết, do sáng nay phải đi thi nên vượt đèn đỏ để kịp giờ đến trường.

Lực lượng CSGT chốt trực, xử lý vi phạm. 
Lực lượng CSGT chốt trực, xử lý vi phạm. 

Ông L. (SN 1960, trú tại Thanh Trì) cho biết, do vội đi xin việc làm nên chủ quan vượt đèn đỏ. "Lương bảo vệ của tôi có 6 triệu đồng/tháng mà giờ vượt đèn đỏ bị phạt 5 triệu đồng thì hết lương. Tôi không dám tái phạm nữa" - ông L. nói.

Tại ngã tư "4 tầng" Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) - ngã tư đông đúc bậc nhất tại Hà Nội, tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược chiều lộn xộn đã biến chuyển, đa số người tham gia giao thông dừng chờ đèn đỏ nghiêm túc.

Anh Lê Văn Khánh, trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội chia sẻ: “Những người đi xe máy như tôi không dám vượt đèn đỏ vì mức phạt mới cao đến 5 triệu đồng. Trước đây có thể đi ẩu nhưng hiện tại thì không dám vì với tôi, số tiền này đã bằng nửa tháng lương”.

Những ngày gần đây, dư luận cho rằng, việc xử phạt vi phạm lỗi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông rất nặng. Do vậy, đèn tín hiệu phải được đảm bảo hoạt động ổn định, không bị khuất tầm nhìn để người dân không vô tình vi phạm. “Có những đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn TP Hà Nội thường xuyên xảy ra tình trạng lỗi bỏ giây, nhảy đèn lung tung, thậm chí còn những 15 giây đèn xanh mà ngay lập tức nhảy sang đỏ khiến người tham gia giao thông không kịp trở tay” – chị Lê Thị Lan, quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ.

Biện pháp ngăn chặn tai nạn

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, việc tùy tiện khi tham gia giao thông, coi thường pháp luật về trật tự an toàn giao thông là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn và những cái chết thương tâm không đáng có.

Vẫn còn trường hợp cố tình vi phạm. 
Vẫn còn trường hợp cố tình vi phạm. 

Nhiều người thừa nhận là ngại không muốn dừng xe, thấy các xe khác cũng vượt đèn đỏ, muốn đi về sớm… lâu dần thành thói quen vượt theo, nhất là khi không có lực lượng cảnh sát.

"Việc tăng nặng mức phạt tiền với các hành vi và nhóm hành vi vi phạm quy tắc giao thông là một trong những biện pháp ngăn chặn vi phạm, giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn. Mục tiêu cao nhất là mỗi người dân ra đường đều trở về nhà an toàn" - lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông nói.

 

Thống kê của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, trong ngày 1/1/2025, lực lượng này đã xử lý 594 trường hợp, phạt thành tiền lên tới 1.671.825.000 đồng, tạm giữ 189 phương tiện, 385 bộ giấy tờ và tước 19 giấy phép lái xe. Trong đó, vượt đèn đỏ 62 trường hợp; đi vào đường cấm, đường ngược chiều 20 trường hợp. Vi phạm tốc độ 18 trường hợp; dừng đỗ sai quy định 72 trường hợp; vi phạm nồng độ cồn 138 trường hợp và không đội mũ bảo hiềm 237 trường hợp...

 

Đại tá Trần Đình Nghĩa -Trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, cho biết: “Việc triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168/2024 là một bước tiến quan trọng trong công tác bảo đảm an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông văn minh. Lực lượng CSGT sẽ tập trung tăng cường xử lý vi phạm; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân nắm rõ quy định, nâng cao ý thức tự giác chấp hành. Song song với đó, chúng tôi cũng chú trọng phối hợp với các cơ quan, đoàn thể để lan tỏa trách nhiệm cộng đồng.”

Theo Đại tá Trần Đình Nghĩa, việc tăng mức xử phạt không chỉ nhằm tăng tính răn đe mà còn để xử lý nghiêm các hành vi cố ý vi phạm, góp phần lập lại trật tự giao thông. Những biện pháp đồng bộ này không chỉ nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông mà còn hướng tới xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh.