Số phiếu bầu cử sớm gây sốc, chiếm hơn 50% tổng số cử tri bỏ phiếu năm 2016

Nguyễn Phương (Theo Washington Post)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số cử tri đi bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu qua thư trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay đã chiếm hơn 50% tổng số cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2016.

Mặc dù còn gần 1 tuần nữa mới tới ngày bầu cử chính thức  (3/11), song tổng số phiếu đi bầu sớm của cử tri Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục với hơn 69 triệu phiếu, tương đương một nửa tổng số phiếu bầu được tính trong năm bầu cử 2016.
Tổng số phiếu đi bầu sớm của cử tri Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục, tương đương một nửa tổng số phiếu bầu được tính trong năm bầu cử 2016.
Số liệu của Dự án bầu cử, do Michael McDonald, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Florida điều hành, cho biết, tính tới chiều 27/10, đã có 69,5 triệu phiếu bầu sớm được gửi, trong đó có 23 triệu phiếu bầu trực tiếp, chiếm 50,4% tổng số cử tri đi bỏ phiếu trong năm 2016.
Con số trên cho thấy sự nhiệt tình chưa từng có của cử tri Mỹ năm nay, cũng như lo ngại sự lây lan của dịch Covid-19. Số phiếu bầu cử sớm tăng kỷ lục trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 gây bất ngờ cho các quan chức và ban tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng thời, thiết lập mức cao chưa từng có kể từ đầu những năm 1900.
Trong tổng số 19 bang cung cấp dữ liệu về bỏ phiếu sớm, cử tri đảng Dân chủ chiếm số lượng áp đảo tại 16 bang. Tuy nhiên, khoảng cách giữa cử tri Dân chủ và Cộng hòa đã thu hẹp trong những ngày gần đây ở một số bang chiến trường. Các cuộc thăm dò cũng cho thấy đa số cử tri đảng Cộng hòa muốn đi bỏ phiếu trực tiếp trong ngày bầu cử chính thức 3/11 sau những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về khả năng gian lận khi bỏ phiếu qua bưu điện.
Đặc biệt, tính đến ngày thứ Hai, số lượng cử tri mới – những người chưa tham gia bỏ phiếu bầu cử tổng thống năm 2016, chiếm 25,6% trong tổng số phiếu bầu sớm trên toàn quốc, theo một phân tích của TargetSmart.
Tom Bonier, người đứng đầu TargetSmart - công ty dữ liệu của đảng Dân chủ, cho biết: “Số lượng cử tri bỏ phiếu sớm tăng kỷ lục cho thấy hai điều quan trọng, đó là chúng tôi đang hướng tới mục tiêu tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt mức kỷ lục trên toàn quốc và có khả năng tại tất cả các bang”.
Tuy nhiên, người quản lý chiến dịch tranh cử của Trump, Bill Stepien hôm thứ Hai nói với các phóng viên rằng Tổng thống Donald Trump sẽ dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay, một phần là do số lượng đông đảo cử tri đảng Cộng hòa đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử chính thức.
Một người quen thuộc với chiến dịch tranh cử Biden cũng nhận định rằng khả năng số lượng cử tri đảng Cộng hòa tham gia bỏ phiếu sẽ đuổi kịp số bỏ phiếu của đảng Dân chủ trong ngày bầu cử chính thức là "hoàn toàn có thể".
 Tính tới chiều 27/10, đã có 69,5 triệu phiếu bầu sớm được gửi qua đường thư và bầu trực tiếp.
Tính đến ngày thứ Ba, số phiếu bầu sớm vượt hơn 60% tổng số phiếu bầu trong năm 2016 đã được ghi nhận tại 14 bang, bao gồm Florida, Georgia, Nevada, New Mexico, North Carolina, Tennessee, Vermont và Washington, theo dữ liệu của bang và Dự án Bầu cử Mỹ.
“Số lượng cử tri trung lập trong cuộc bầu cử năm nay cũng xuất hiện với số lượng rất lớn” Glen Bolger - một nhà thăm dò ý kiến ​​của đảng Cộng hòa, cho biết, đồng thời lưu ý thêm rằng những cử tri này có nhiều khả năng sẽ quyết định kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 hơn là sự khác biệt giữa số lượng cử tri bỏ phiếu sớm của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ.
“Cử tri cả hai đảng đều thể hiện tâm lý phấn khởi trước cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Chúng tôi cũng mong muốn chứng kiến nhiều đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu sớm hơn, nhưng họ đã không được khuyến khích làm điều đó. Mặc dù vậy, hiện không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy cử tri đảng Cộng hòa không nhiệt tình" – ông Bolger nói, đồng thời cho biết ông dự báo ​​tổng số cử tri đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử chính thức vào tuần tới sẽ lập mức cao kỷ lục kể từ năm 1908./.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần