Tuesday, 09:55 12/05/2015
Sợ quân ta va quân mình
Kinhtedothi - Đội tuyển U23 đang chạy nước rút cho SEA Games 28. Thế nhưng, chưa kịp đối mặt với đối thủ thì ông Miura đã mất ngay 2 “chiến tướng”, đó là tiền đạo Văn Long và tiền vệ Hoàng Thịnh.
Nỗi lo U23 bị biến thành “bệnh viện” đang lơ lửng khi bản danh sách chấn thương đang ngày một nối dài.
Khi Công Phượng bị “quây”
Trong trận đấu giao hữu mới đây, người ta chứng kiến cảnh lính mới Công Phượng bị các đàn anh ở Đội tuyển quốc gia (ĐTQG) từ hàng tiền vệ đến hậu vệ chăm sóc rất nhiệt tình. Có cảm giác, các cầu thủ đàn anh thi đấu quyết liệt hơn khi đối diện với ngôi sao trẻ. Họ tìm mọi cách để hóa giải, thậm chí không ngần ngại sử dụng tiểu xảo nhằm hạn chế khả năng hoạt động và dứt điểm của cầu thủ này. Tình trạng tương tự cũng xảy đến với Thanh Bình, Văn Toàn của U23.

Có cảm giác đang có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các ngôi sao ở 2 đội tuyển. Đặc biệt là khi thông tin Công Phượng sẽ lên ĐTQG đá cặp với Công Vinh được loan tải thì áp lực dành cho ngôi sao trẻ càng tăng lên. Thực ra thì đây không phải là lần đầu tiên người ta thấy sự bằng mặt không bằng lòng giữa các ngôi sao ở 2 đội tuyển. Chẳng thế mà có thời điểm, khi các cầu thủ U19 được dư luận tung hô thì ngay lập tức xuất hiện làn sóng “bôi đen” từ các đàn anh. Thậm chí, có trường hợp một thành viên của Ban huấn luyện còn thẳng thắn tuyên bố: Đội tuyển không phải là gánh xiếc để thích là đưa các tuyển thủ U19 lên tăng cường. Có trường hợp còn lên trang cá nhân bày tỏ niềm hoan hỉ khi U19 thất bại khiến dư luận nổi sóng tranh cãi.
Nhiều người cho rằng, việc các cầu thủ thuộc những đội tuyển khác nhau có thái độ kèn cựa nhau là điều hết sức bình thường. Bản thân các ngôi sao luôn khát khao phải là số 1 nên có xu hướng phải làm mọi cách để đánh bóng thương hiệu. Nhưng sự cạnh tranh nếu không được kiềm tỏa trong giới hạn cho phép có thể tạo ra những hệ lụy tiêu cực là chấn thương ảnh hưởng đến chất lượng của đội tuyển.
Cạnh tranh phải lành mạnh
Không chỉ có sự cạnh tranh giữa các thành viên ĐTQG và U23 mà còn nảy sinh tình trạng, các tuyển thủ trẻ sẵn sàng ra chân một cách quyết liệt nhằm chứng tỏ tinh thần chiến đấu với HLV Miura. Ai cũng biết, ông Miura luôn đề cao tinh thần chiến đấu, khả năng va chạm, tranh chấp giữa các cầu thủ. Bởi, theo nhà cầm quân này, bóng đá không phải là cuộc chơi của những người thiếu sức va chạm. Cũng chính vì điều này mà ông Miura đã chọn Hoàng Thịnh - một chuyên gia về đánh chặn ở hàng phòng ngự chứ không phải là thủ quân Tấn Tài, một cầu thủ có thiên hướng tấn công ở AFF Cup 2014 vừa qua.
Lối chơi thiên về sức mạnh, đề cao ngọn lửa nhiệt tình của ông Miura đang khiến các cầu thủ chịu nhiều áp lực. Thậm chí, chính sách xoay tua đội hình trong mỗi buổi tập khiến các cầu thủ cũng cảm thấy hoang mang vì không biết vị trí thật sự của mình ở đâu. Tất nhiên, lựa chọn này buộc các cầu thủ phải tận hiến nếu không muốn mất vị trí. Nhưng, ở một góc độ khác, nó làm nảy sinh tâm lý phủ định đồng đội để khẳng định bản thân giữa các cầu thủ. Thực tế là đã có tình trạng, những buổi tập của đội bóng trước đây và cả hiện nay luôn xuất hiện những pha tranh chấp có thừa sự quyết liệt và dễ dẫn đến chấn thương, làm ảnh hưởng đến sức mạnh của đội tuyển.
Quãng đường từ nay đến SEA Games còn khoảng 2 tuần nữa. Còn khá nhiều buổi tập và đấu tập nên Ban huấn luyện U23 cần có những động thái nhằm giúp các cầu thủ có được cái đầu lạnh trong mọi hoàn cảnh. Đó cũng là cách tốt nhất để bảo vệ đội bóng trước những rủi ro có thể xảy đến.