Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Sổ tay kinh tế] Hướng cạnh tranh lành mạnh trên thị trường viễn thông

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã có 256.739 thuê bao đăng ký chuyển mạng kể từ khi dịch vụ chuyển mạng giữ số bắt đầu được cung cấp vào giữa tháng 11 năm ngoái (số liệu mới nhất của Cục Viễn thông - Bộ TT&TT). Theo đó, 71,68% thuê bao đã chuyển mạng thành công.

Tuy nhiên, xét về tỷ lệ, mới chỉ có gần 0,21% tổng số thuê bao đăng ký chuyển mạng. Con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình quân 5 - 10% theo kinh nghiệm ở thị trường quốc tế được một số chuyên gia so sánh.
Dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số đã được triển khai tại Việt Nam từ ngày 16/11/2018. Ngay khi chính sách chuyển mạng giữ số khởi động cũng là lúc các "chiêu bài" của nhà mạng được tung ra. Đầu tiên là ồ ạt tung chính sách khuyến mại để "dụ" khách hàng mới.
Bài toán trong cuộc đua chuyển mạng giữ số không chỉ là thu hút thêm thuê bao, mà các nhà mạng lớn cũng đau đầu không kém với lượng thuê bao muốn rời mạng. Thậm chí có khách hàng còn phản ánh nhiều nhà mạng níu kéo, dây dưa thủ tục và gây khó khăn.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường viễn thông, khiến thị trường cạnh tranh hơn. Các chủ thuê bao di động sẽ được lựa chọn DN cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình trong khi vẫn giữ được số điện thoại, xóa bỏ rào cản phải thay số điện thoại mới khi chuyển qua sử dụng mạng di động mới, gây rắc rối trong công việc và sinh hoạt. Đây cũng là động lực cho các DN viễn thông tăng cường năng lực cạnh tranh của mình bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng, nhất là những khách hàng lâu năm đã gắn bó với mình.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành viễn thông, việc nhà mạng đang lập ra những "rào cản", đưa ra lý do bất hợp lý để giữ chân khách hàng chỉ là cách làm "hớt ngọn", không bền lâu. Nếu khách hàng đã muốn chuyển đi, nhưng bị ngăn cản bất hợp lý thì càng gây thêm bức xúc và sớm muộn họ cũng sẽ tìm cách rời bỏ.
Thị trường viễn thông Việt Nam hiện có 5 DN hoạt động, với thị phần như sau: Viettel 50,6%, MobiFone 20,6%, VinaPhone24,8%, Vietnamobile 3,6%, và Gtel 0,4%. Tác động của những chính sách đã ban hành trong năm 2018, nhất là dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số chắc chắn sẽ tạo nên những thay đổi lớn về thị phần giữa từng nhà mạng. Ngoài vấn đề hạ tầng, chất lượng mạng thì chất lượng dịch vụ, các vấn đề giá cước cũng như chăm sóc khách hàng cũng quyết định việc nhà mạng có bị mất thuê bao hay không.
Dự báo thị trường viễn thông di động sẽ sôi động và cạnh tranh quyết liệt hơn. Cuộc chiến dữ liệu sẽ tiến lên một bước mới mang lại lợi ích cho cả thị trường viễn thông, nhà mạng và người dùng.