Tổng cục Thuế cho rằng, giai đoạn 2009 - 2013, pháp luật không ưu đãi thuế thu nhập DN với các hoạt động đầu tư mở rộng. Do vậy, giai đoạn này, Unilever Việt Nam đầu tư mở rộng nhưng không kê khai, tính, nộp thuế riêng đối với phần thu nhập phát sinh từ các hoạt động này là không đúng quy định, dẫn đến thiếu thuế. Vì vậy, DN có trách nhiệm nộp các khoản thuế truy thu, nộp phạt vi phạm hành chính và khoản thuế chậm nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định. Động thái truy thu thuế của Unilever Việt Nam là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, Unilever không phải trường hợp đầu tiên và duy nhất. Tình trạng làm sai, khai thiếu, trốn, nợ thuế vẫn là những tồn tại khá phổ biến với nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khác đang hoạt động tại Việt Nam. Đơn cử gần đây nhất là vụ việc của Công ty vàng Phước Sơn, Bồng Miêu (Quảng Nam). Mặc dù cơ quan thuế địa phương đã rất tích cực yêu cầu kê biên tài sản, dọa rút giấy phép, đình chỉ hoạt động... nhưng đến nay, DN này mới chỉ túc tắc nộp được một phần nhỏ trong tổng số thuế đang nợ. Điều này có trách nhiệm không nhỏ của ngành thuế. Từ nhiều năm nay, ngành thuế đã áp dụng nguyên tắc DN cứ tự khai, tự nộp thuế. Cơ quan thuế sẽ kiểm tra, giám sát định kỳ theo tháng hoặc theo quý, theo năm. Song vấn đề của ngành thuế Việt Nam là vướng mắc liên quan tới công tác lập tờ khai, tự khai thuế và khả năng kiểm tra, giám sát của ngành thuế. Thông thường ở nước ngoài, với những DN không nộp thuế, trốn, nợ hoặc kê sai, kê thiếu sẽ phải chịu một hình thức xử lý rất nghiêm khắc. Cách xử lý phổ biến có thể là tăng thật nặng mức phạt hoặc có thể đình chỉ, đóng cửa không cho hoạt động. Tuy nhiên, sự việc Unilever Việt Nam hoạt động sau nhiều năm mới bị “sờ gáy” là do đã có sự nể nang trong quá trình thực thi nhiệm vụ của những cán bộ ngành thuế. Cũng có thể do ngại DN lớn mà không dám động chạm vì cho rằng trình độ cán bộ thuế có hạn, phần khác do các DN FDI có thói quen cứ kêu là được. Bên cạnh đó, thái độ chây ì của DN cũng gây nhiều khó khăn trong việc thu thuế. Những sai phạm trên cần phải coi là một dạng tương tự của chuyển giá, trốn thuế và hiện tượng trên cần phải được ngăn chặn, xử lý triệt để. Nếu không nó sẽ làm giảm hiệu quả quản lý vì những DN có vốn lớn hoặc có hiệu quả kinh tế sẽ sẵn sàng ỉ thế làm bừa, xin ưu đãi, lợi dụng ưu đãi, tạo thành thói quen xấu, ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường kinh doanh.