Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sổ tay kinh tế: Mở rộng là cần thiết

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng, cung cấp dịch vụ.

Theo đó, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán (trừ hộ, cá nhân kinh doanh theo Khoản 6 Điều 12 của Nghị định này) phải lập hóa đơn điện tử giao cho người mua.

Trước đó, một số địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... đã triển khai thí điểm hóa đơn điện tử và nhận được phản hồi tích cực từ người nộp thuế. Đối với DN, sử dụng hóa đơn điện tử giúp DN tiết kiệm được thời gian. Chỉ một vài thao tác đơn giản, người mua hàng sẽ nhận được hóa đơn dù đang ở bất cứ nơi nào nếu có Internet. Việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp DN giảm các chi phí như: Chi phí giấy in, mực in, chi phí chuyển hóa đơn cho khách hàng, chi phí lưu trữ; tăng cường khả năng bảo mật... DN chỉ cần thông báo qua mạng gửi đến cơ quan thuế về việc sử dụng hóa đơn điện tử và được sử dụng ngay sau khi thông báo được chấp nhận.

Với cơ quan quản lý, hóa đơn điện tử giúp khắc phục tình trạng hóa đơn giả, giúp ngành Thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn; hỗ trợ, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế, phân tích rủi ro DN, cá nhân kinh doanh.

Như vậy, việc mở rộng các đối tượng và quy mô sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 119 là đúng đắn, cần thiết và chắc chắn được cộng đồng DN tiếp tục đón nhận. Tuy nhiên, công tác triển khai làm sao hiệu quả và thuận lợi nhất cho DN là câu chuyện cần được bàn đến. Tại Hội nghị gặp gỡ giữa cơ quan thuế Hà Nội và các DN mới đây, khá nhiều DN đặt câu hỏi về thời điểm, đối tượng phải bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử. Điều này cho thấy, DN rất quan tâm và lo lắng với công tác chuẩn bị cho việc áp dụng hình thức hóa đơn này.

Thực tế, khó khăn của việc áp dụng hóa đơn điện tử là DN cần một hạ tầng kỹ thuật tốt và không phải DN nào cũng đáp ứng được yêu cầu này. Bên cạnh đó, các DNNVV, các hộ kinh doanh thường ngại và chậm trong việc tiếp cận công nghệ, ngại thay đổi. Vì thế, để việc triển khai mở rộng sử dụng hóa đơn điện tử đạt hiệu quả, cơ quan thuế cần tăng cường công tác tuyên truyền để DN, người nộp thuế hiểu những ưu việt của hình thức hóa đơn này. Sự hỗ trợ về vật chất và thông tin từ cơ quan thuế cũng rất cần thiết để DN, hộ kinh doanh xây dựng nền tảng kỹ thuật áp dụng hóa đơn điện tử.