Sổ tay kinh tế: Phải tự cứu mình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi đã thâu tóm những siêu thị lớn, tuần qua, Big C đưa ra yêu cầu tăng mức chiết khấu để làm khó DN cung cấp nội.

Đây là những diễn biến cho thấy chiến lược thay thế hàng sản xuất trong nước bằng hàng Thái sẽ diễn ra trong thời gian ngắn tới.

Từ câu chuyện thực tế của BigC, có thể thấy, các DN nước ngoài có ưu thế trường vốn, năng lực quản lý tốt, cũng như kinh nghiệm và thương hiệu nổi bật trên thương trường khi tham gia thị trường bán lẻ sẽ buộc DN nội phải tự sửa những yếu kém cố hữu. Đó là chậm đổi mới, manh mún, quy mô nhỏ lẻ; phải tự "lớn lên", chủ động nâng cao năng lực, xây dựng hình ảnh, hình thành một số thương hiệu mạnh, quy mô lớn để đảm nhận vai trò dẫn dắt trên thị trường, lan tỏa đến các đơn vị nhỏ trong mối liên kết DN nội.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Bài học trên thị trường Hàn Quốc có thể giúp ích cho DN bán lẻ Việt Nam. Cả thế giới biết đến sức mạnh của Wal - Mart trong lĩnh vực bán lẻ. Nhưng sau 8 năm thâm nhập thị trường Hàn Quốc, Wal - Mart mới chỉ chiếm được 4% thị phần. Thậm chí sau đó cùng với tập đoàn Carrefour, Wal - Mart đã nhượng bán lại toàn bộ các cơ sở của mình cho các tập đoàn bán lẻ nội địa Hàn Quốc, rút khỏi thị trường này. Những kinh nghiệm về sở thích người tiêu dùng, khả năng tập trung và phát hiện điểm mạnh nội lực, cũng như lợi dụng các điểm yếu của đối thủ, tranh thủ được những điểm lợi thế trong các quy định về mở cửa thị trường… đã được các tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc sử dụng có hiệu quả để giành lại thị trường.

Dẫn chứng ví dụ trên để thấy, thay vì lo sợ, DN bán lẻ trong nước cần có những giải pháp tự cứu mình ngay khi còn chưa muộn. Hệ thống phân phối qua kênh siêu thị, trung tâm thương mại thực tế vấn còn chiếm một tỷ lệ nhỏ, thị trường bán lẻ của Việt Nam còn lớn, đặc biệt là thị trường nông thôn nơi tập trung phần lớn dân số. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có những công cụ cần thiết để điều tiết cần sử dụng hiệu quả. Đơn cử, quy định ENT (Kiểm tra nhu cầu kinh tế) đưa ra rất nhiều quy định. Về bản chất đó là một loại “rào cản kỹ thuật” trong lĩnh vực bán lẻ mà các nước đã phải chấp thuận để đánh đổi lấy việc Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ của mình. ENT được thiết kế như một công cụ cho phép Việt Nam kiểm soát được số lượng cơ sở bán lẻ của một nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam và giới hạn số lượng này tùy thuộc vào nhu cầu kinh tế trong những bối cảnh cụ thể. Mặc dù vậy, công cụ này chưa được sử dụng hiệu quả.

Việt Nam cũng không phải trường hợp đầu tiên trên thế giới chứng kiến sự lấn lướt của các nhà bán lẻ nước ngoài trên thị trường. Vấn đề ở chỗ Việt Nam học được gì từ các nước trong việc tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành bán lẻ cũng như sử dụng các công cụ được phép kiểm soát hoạt động thực tế của các nhà bán lẻ nước ngoài để bảo vệ tốt nhất lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của các kênh phân phối hàng Việt.