Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Sổ tay kinh tế] Thích ứng để trụ vững giữa thời dịch bệnh

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, ảnh hưởng của dịch Covid -19 đã khiến hàng loạt DN, hộ kinh doanh cá thể đóng cửa hàng loạt. Kéo theo đó, hàng loạt người lao động mất việc, giảm thu nhập hoặc phải nghỉ việc luân phiên.

Trong bối cảnh dịch bệnh, việc người lao động quay cuồng giữa công cuộc mưu sinh là nỗi lo có thật. Đâu đó đã có thông tin về nhiều giáo viên tư thục phải đi bóc hạt điều, làm các việc khác để kiếm kế sinh nhai. Nhiều DN đã phải cho nhân viên nghỉ việc luân phiên từ sau Tết Nguyên đán vì nhu cầu khách hàng giảm do dịch Covid-19. Có thể thấy, ngoài việc khống chế dịch bệnh, nỗi lo mưu sinh đang gõ cửa từng người, từng nhà.
Số liệu từ Cục Thuế TP Hà Nội, 2 tháng qua, hơn 3.400 đơn vị, hộ kinh doanh bị giải thể, đóng cửa bởi Covid - 19, số thu ngân sách Nhà nước có thể mất từ 4.200 tỷ đồng đến 16.600 tỷ đồng tùy theo thời gian diễn biến dịch bệnh. Một khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng cho ra kết quả, 74% trong số 1.200 DN được hỏi cho biết có nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh Covid - 19 kéo dài 6 tháng.
Vì thế, ngoài các gói hỗ trợ của Chính phủ, bản thân các DN đang tự tìm cách thích ứng để trụ vững giữa thời dịch bệnh. Các chính sách khuyến khích giao dịch trực tuyến đang được các DN đủ mọi ngành nghề từ tài chính, ngân hàng, bán lẻ… lần lượt triển khai. Thời gian qua, một loạt các ngân hàng đã đưa ra các chính sách miễn phí, giảm phí… cho các giao dịch trực tuyến. Việc giảm phí, giảm lãi này một phần nhằm thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ, thực hiện trách nhiệm xã hội của DN nhưng cao hơn cả, đó cũng là cách các ngân hàng tự cứu lấy mình, tìm cách thích ứng để “sống sót”.
Hay như ở Masan, lãnh đạo tập đoàn này cho rằng, dịch bệnh cũng là thời cơ rất tốt để thúc đẩy thương mại điện tử. Và tập đoàn này đang có kế hoạch để làm sao ngày càng nhiều người dân chọn cách thức mua hàng trực tuyến, ngồi tại nhà vẫn được phục vụ chứ không cần trực tiếp đến siêu thị. Với xuất khẩu thì đây cũng là cơ hội để chiếm lĩnh thị trường khi chuỗi cung ứng nhiều ngành đặt ở Trung Quốc bắt đầu gặp vấn đề.
Chuyển hướng đầu tư, tìm cơ hội là cách mà Thaco đã chọn để “đối đầu” giữa khó khăn. Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Tập đoàn Thaco cho hay, dù giữa bối cảnh dịch bệnh khó khăn nhưng vẫn có cơ hội cho DN đầu tư phát triển, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Vì thế, Thaco đã chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực này cũng là để tận dụng các thế mạnh của mình như cơ khí, logistics.
Tại cuộc làm việc mới đây với các Tập đoàn kinh tế lớn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta phải cố gắng gấp ba”. Theo Thủ tướng, đây cũng là dịp mà các DN cần tái cơ cấu, sắp xếp phù hợp, đặc biệt là quản trị tốt, ứng dụng. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác liên kết, chia sẻ rủi ro cũng như có các kịch bản để đảm bảo hoạt động liên tục, không bị gián đoạn.