Hai thập kỷ sau khi được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, Hà Nội trở thành nơi tổ chức một trong những khoảnh khắc ngoại giao thu hút sự chú ý của toàn thế giới.
Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Argentina Mauricio Macri cấp nhà nước, sau khi kết thúc các hoạt động chính thức vào ngày 20/2, Tổng thống Argentina đã đi bộ và ngồi thưởng thức cà phê vỉa hè tại Hà Nội.
Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam sẽ thu được rất nhiều lợi ích từ việc tổ chức hội nghị quan trọng bậc nhất này, đặc biệt là cơ hội quảng bá du lịch cũng như nâng cao vị thế tầm vóc quốc tế của Việt Nam.
Tháng 6 năm ngoái, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều cũng có cuộc gặp tại Singapore – quốc đảo giàu có bậc nhất thế giới và có độ kiểm soát an ninh đáng tin cậy. Lần này là Việt Nam, quốc gia có chính trị ổn định, có an ninh tuyệt vời, từng có kinh nghiệm ngoại giao trong việc tổ chức các loại sự kiện cấp cao khác nhau…
Việt Nam đang ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ và đáng kinh ngạc, trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á. Việt Nam là biểu tượng cho một tiến trình bước qua chiến tranh, khép lại quá khứ, mở cửa hội nhập và phát triển tiến lên.
Song có một điều, xếp hạng cải cách thể chế cũng như cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn phải học hỏi nhiều từ Singapore. Trong cuộc làm việc với Bộ KH&ĐT diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Chính phủ Việt Nam đang rất quyết liệt yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho người dân, DN sản xuất, kinh doanh. Nếu mỗi địa phương trong cả nước, nhất là các đầu tàu kinh tế đều có thể trỗi dậy mạnh mẽ, thì kinh tế quốc gia sẽ phát triển mạnh hơn, đất nước sẽ thêm phần thịnh vượng, khi đó sẽ phát triển tầm nhìn 2030, sau đó là tầm nhìn 2045 như Thủ tướng mong muốn sẽ trở thành hiện thực.