70 năm giải phóng Thủ đô

Sốc khi Osin thông báo bị nhiễm HIV

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chết lặng người sau khi nhận được tin nhắn ngắn ngủi của người giúp việc “Tôi bị HIV, đừng tìm tôi”, anh Nguyễn Công H. ở Mỹ Đình, Hà Nội, vội vàng lao về nhà, thì người giúp việc đã khăn gói đi từ lúc nào cùng với số tiền 7 triệu đồng mà lúc sáng sớm, trước khi đi làm anh nhờ chị ta giao lại cho mẹ vợ.

Trong tay chỉ có bản photo CMND của người giúp việc, anh nhờ người quen ở cùng xã xác minh thì đúng người này đã có tên trong danh sách bệnh nhân có HIV tại y tế xã, chồng của chị ta nghiện hút nặng, gia đình đang trong cảnh nợ nần chồng chất. Thôi thì đành ngậm đắng nuốt cay mất 7 triệu đồng, nhưng gia đình anh H. vẫn thở phào, may mà nhờ mất số tiền ấy mà sớm phát hiện ra ý đồ xấu của người giúp việc.

Câu chuyện xảy ra với gia đình anh H., gia đình cũng không thể truy đến cùng trách nhiệm vì chỉ nhận giúp việc gia đình (GVGĐ) bằng thỏa thuận miệng, không ký kết hợp đồng lao động. Cho dù từ 1/5/2013, Bộ luật Lao động sửa đổi chính thức có hiệu lực, công nhận GVGĐ là một nghề bình đẳng với những nghề nghiệp khác trong xã hội. Tuy nhiên, những điều khoản của Luật quy định về nghề này vẫn chưa thể thực hiện do thiếu hướng dẫn cụ thể. Hơn nữa việc giám sát thực hiện Luật cũng chưa được quy định, để đảm bảo cả quyền lợi cho người GVGĐ và người sử dụng lao động. Hàng loạt câu chuyện thời sự liên quan đến người GVGĐ vẫn luôn làm nóng các trang báo điện tử, các trang mạng xã hội và là chủ đề trong những câu chuyện của nhiều gia đình ở thành phố.
 
 
Sốc khi Osin thông báo bị nhiễm HIV - Ảnh 1
 
Ảnh minh họa.

Một xu hướng mới đang diễn ra đó là những gia đình có điều kiện thu nhập “khủng” đã dám chấp nhận thuê GVGĐ người Philippines, với mức lương từ 300 - 400 USD/tháng. “GVGĐ người Philippines về độ chăm chỉ, chuyên nghiệp thì khỏi phải bàn, lại có cái lợi nữa là con cái có điều kiện học tiếng Anh. Lợi cả đôi đường”, một đại gia ở Khu đô thị cao cấp Ciputra cho hay. Trong tình cảnh thất nghiệp ngày càng gia tăng, nhiều lao động dư thừa ở nhiều vùng quê của Việt Nam có khả năng gia nhập thị trường lao động GVGĐ, đã thua ngay trên sân nhà.

Mối quan hệ giữa người GVGĐ và người sử dụng lao động cần được ràng buộc bằng những quy định pháp lý. Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia về quan hệ lao động, việc Bộ luật Lao động sửa đổi công nhận GVGĐ là một nghề có nghĩa là Bộ luật Lao động đã công nhận những người làm nghề GVGĐ là những người lao động chuyên nghiệp, cung cấp dịch vụ cho xã hội, như những người lao động khác làm việc ở văn phòng hoặc nhà máy. Công nhận công việc GVGĐ, giống như mọi công việc khác, là một nghề nghiệp quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam. Đưa ra những quy định về mối quan hệ lao động giữa người GVGĐ và người thuê lao động làm cơ sở pháp lý công nhận và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người GVGĐ, cũng như người thuê lao động. Bên nào vi phạm những quy định này sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Tuy nhiên khi trao đổi với PV Báo CAND về vấn đề này, bà Natsu Nogami, cán bộ phụ trách Luật Lao động, Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) cho rằng, việc thực thi luật sẽ gặp một số thách thức. Chẳng hạn như, có 5 điều khoản trong Bộ luật Lao động sửa đổi quy định về lao động GVGĐ (Điều 179-183). Những điều khoản này chưa cung cấp đủ những hướng dẫn cần thiết để cơ quan có thẩm quyền triển khai luật, hoặc để người thuê lao động và người GVGĐ gia đình tuân theo. Một vấn đề quan trọng là hiện không rõ các điều khoản khác trong Bộ luật Lao động (như lương tối thiểu, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động, chế độ thai sản, nghiêm cấm lao động trẻ em…) có áp dụng cho lao động GVGĐ, hay chỉ 5 điều khoản nói trên là có hiệu lực với nhóm đối tượng này.

Như đã đề cập ở trên, một trong những vấn đề quan trọng là việc thiếu hướng dẫn để các cơ quan có thẩm quyền có thể thực thi Bộ luật Lao động, hoặc để người sử dụng lao động và bản thân người GVGĐ có thể tuân theo. Cần phải xây dựng Nghị định hướng dẫn  thực thi Bộ luật.

Tất nhiên chỉ có luật thôi thì chưa đủ. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và quy định pháp lý đối với công việc GVGĐ, về những trải nghiệm thực tế không dễ dàng mà nhiều lao động GVGĐ trên khắp thế giới từng trải qua như bị lạm dụng, bạo lực và bóc lột lao động; cũng như việc phần lớn người GVGĐ là phụ nữ, là những lao động dễ bị tổn thương xuất thân từ nông thôn với trình độ học vấn thấp. Bởi vậy, cần tuyên truyền và đảm bảo quyền bình đẳng và không bị phân biệt đối xử đối với nhóm lao động này.

Quan trọng hơn cả là khi trở thành một nghề thì bản thân người làm nghề GVGĐ cần phải được đào tạo và làm việc một cách chuyên nghiệp.