Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sóc Sơn, Ba Đình giàu tài nguyên phát triển du lịch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/4, Sở Du lịch Hà Nội đã làm việc với huyện Sóc Sơn và quận Ba Đình về rà soát, triển khai thực hiện các sản phẩm du lịch trên địa bàn hai địa phương.

Lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết, hàng năm, huyện đón khoảng 130 ngàn lượt khách nội địa và khoảng 1000 lượt khách quốc tế đến tham quan.  Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đã được quan tâm đầu tư, các tuyến đường chính quanh các khu, điểm du lịch đã được xây dựng, nâng cấp. Huyện đã quy hoạch các điểm, khu du lịch, điểm vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng,... Trong đó, đã có nhiều hạng mục công trình được đưa vào sử dụng như: sân Golf Minh Trí, sân Golf Đền Sóc. Đặc biệt, lễ hội Gióng ở đền Sóc, di tích lịch sử đền Sóc, tượng đài Thánh Gióng thu hút được lượng khách lớn đến Sóc Sơn.
Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.
Tuy nhiên, du lịch, dịch vụ phát triển chưa xứng tầm, chưa phát huy thế mạnh, tiềm năng sẵn có. Hiện tại, chủ yếu vẫn là du lịch tâm linh. Dịch vụ vui chơi giải trí chưa phát triển mà vẫn đang ở thời điểm lập dự án, tiến độ triển khai các dự án còn chậm. Mặt khác, cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ. Hệ thống cơ sở lưu trú chưa đáp ứng được nhu cầu của những đoàn khách lớn. Bên cạnh đó, huyện giàu tiềm năng phát triển kinh tế trang trại kết hợp với du lịch sinh thái nhưng chưa có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư.

Huyện Sóc Sơn đề nghị TP Hà Nội quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp đỡ huyện trong công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá và có những chính sách hỗ trợ Sóc Sơn trong công tác phát triển du lịch. Tổ chức cho các quận, huyện thăm quan, học tập kinh nghiệm ở những nơi có ngành du lịch phát triển cả trong nước và nước ngoài.

Trong khi đó, quận Ba Đình là nơi hội tụ nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến; là vùng đất lịch sử địa linh nhân kiệt với nhiều danh thắng, đình, đền, chùa cùng các lễ hội phong phú, đa dạng. Hiện, trên địa bàn có 177 cơ sở lưu trú, trong đó có 52 cơ sở đã được xếp hạng, 23 đơn vị kinh doanh lữ hành. Đồng thời, 73 di tích trên địa bàn có 34 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia, TP và 30 lễ hội truyền thống trong 1 năm đã tạo sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của quận. Phần lớn các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch trên địa bàn quận là DN vừa và nhỏ, khả năng cạnh tranh còn nhiều hạn chế. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại và du lịch chưa thực sự mang lại hiệu quả.

Quận Ba Đình đề nghị TP sớm có quy hoạch đỗ xe tĩnh, đặc biệt là xung quanh các khu, điểm du lịch. Kiến nghị Sở Du lịch đưa các hoạt động của ngành du lịch tổ chức ở Cung thể thao Quần Ngựa…     

Kết luận hai buổi làm việc, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng đề nghị huyện Sóc Sơn và quận Ba Đình rà soát tổng thể tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản, nguồn lực, hạ tầng, các làng nghề, nguồn nhân lực, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch trên địa bàn. Hàng năm, 2 địa phương cần có kế hoạch phát triển du lịch; đưa sản phẩm du lịch, loại hình văn hóa phi vật thể tiêu biểu tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá do Sở Du lịch tổ chức hoặc phối hợp tổ chức. Đồng thời, phải đảm bảo môi trường du lịch an toàn cho du khách. Ông Hồng khẳng định, thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tổ chức các đoàn lữ hành đến hai địa phương để khảo sát xây dựng tour, tuyến và đưa khách đến hai quận, huyện; tổ chức đào tạo, tập huấn cho các cán bộ, nhân viên điểm đến, các hộ làm du lịch…; hỗ trợ các địa phương làm biển báo, chỉ dẫn tại các điểm đến...

Đối với huyện Sóc Sơn, ông Hồng đề nghị huyện cùng các đơn vị liên quan điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung quy hoạch để trình TP phê duyệt các doanh mục cần đầu tư. Huyện cần quan tâm xây dựng các sản phẩm du lịch nông, lâm nghiệp công nghệ cao, để phục vụ người dân địa phương và du khách.

Quận Ba Đình cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trên địa bàn; khôi phục một phần làng hoa Ngọc Hà để giới thiệu đến du khách; kiểm soát tốt hoạt động của các cơ sở lưu trú, ẩm thực; nghiên cứu xây dựng tuyến phố văn hóa, tuyến phố du lịch; nghiên cứu địa điểm đặt bãi xe tĩnh trên địa bàn phục vụ nhu cầu người dân và du khách; khai thác, sử dụng Cung Thể thao Quần Ngựa hoạt động đa năng phục vụ các hoạt động, sự kiện của ngành du lịch, văn hóa…