Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sóc Sơn nỗ lực khống chế dịch tả lợn châu Phi

Bài, ảnh: Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là địa phương duy nhất của Hà Nội đến nay đã phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 100% xã, phường, thị trấn, huyện Sóc Sơn đang dốc sức để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, giảm tối đa thiệt hại cho người dân.

Thống kê đến nay, sau tròn hai tháng bùng phát, dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng ra 1.150 hộ tại 129 thôn thuộc 26/26 xã, thị trấn của huyện Sóc Sơn. Tổng số lợn bị tiêu hủy là 16.718 con (chiếm 13,5% tổng đàn lợn của toàn huyện), trọng lượng trên 1.150 tấn.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng, nguyên nhân khiến bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát và lan rộng nhanh trên địa bàn là do địa phương có tổng đàn lớn, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ lớn.
Bà con nông dân huyện Sóc Sơn rắc vôi bột tiêu độc khử trùng môi trường phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, huyện nằm giáp ranh với nhiều tỉnh đã có dịch như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang và có nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm đi qua. Đặc biệt, do nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận người dân, vẫn buôn bán, vận chuyển, giết mổ khi lợn ốm bệnh...
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, thời gian qua, huyện Sóc Sơn đã thực hiện 4 đợt phun thuốc khử trùng và diệt ruồi muỗi. Huyện cũng chủ động cấp 190 tấn vôi bột cho các xã thực hiện tổng vệ sinh cơ giới và rắc vôi tại các trục đường giao thông chính, cống rãnh nhằm xử lý mầm bệnh.
Cấp kinh phí cho các xã mua 2 đợt hóa chất sát trùng và hỗ trợ trực tiếp cho các hộ chăn nuôi 22.274 lít hóa chất để phun khử trùng toàn bộ môi trường chuồng nuôi. Bên cạnh đó, huyện cũng đã chủ động bố trí ngân sách, cấp kinh phí trên 5 tỷ đồng cho các xã, thị trấn thực hiện hỗ trợ những hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh cho biết, thời gian tới, địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân trong triển khai đồng bộ các biện pháp, trọng tâm là thực hiện nghiêm túc “5 không” trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn (không giấu dịch; không mua bán; không giết mổ, mua bán lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt làm thức ăn cho lợn). Tiếp tục khuyến cáo người chăn nuôi chủ động vệ sinh cơ giới, tiêu độc khử trùng môi trường để tiêu diệt mầm bệnh, các vật chủ trung gian như chuột, ruồi, muỗi… để ngăn chặn dịch bệnh.
Song song với nhiệm vụ trên, huyện cũng chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc trực chốt kiểm dịch động vật liên ngành và hoạt động của 2 tổ lưu động liên ngành, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vận chuyển lợn, các sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.