Sóc Sơn quyết liệt xử lý vi phạm đất đai

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, xã Mai Đình được xem là “điểm nóng” trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích...

Thực hiện Kết luận số 139/KL-STNMT-TTr của Sở TN&MT Hà Nội, thời gian qua, huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo các phòng ban phối hợp chặt chẽ cùng UBND các xã, thị trấn, tập trung xử lý nghiêm các vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích và đất công. Đồng thời rà soát, hoàn thiện hồ sơ để giải toả dứt điểm vi phạm tồn đọng, kéo dài từ những năm trước.

Tích cực vào cuộc

Những năm qua, xã Mai Đình được xem là “điểm nóng” trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích. Theo kết luận thanh tra của Sở TN&MT Hà Nội, tại địa phương này tồn tại 54 trường hợp vi phạm về sử dụng đất nông nghiệp, với tổng diện tích khoảng 2,45ha. Vi phạm chủ yếu là sử dụng không đúng mục đích và xây dựng công trình trái phép.

Thời gian qua, UBND xã Mai Đình đã tập trung rà soát, thống kê, đánh giá vi phạm tồn đọng. Trên cơ sở đó, phối hợp với Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn giải toả được 46 trường hợp vi phạm, với tổng diện tích 2,332ha. Trong số này, có 18 trường hợp cơ quan chức năng buộc phải tiến hành cưỡng chế thu hồi. Hiện, trên địa bàn còn 8 trường hợp vi phạm cần phải xử lý.

Một công trình vi phạm trên đất nông nghiệp tại xã Tiên Dược bị chính quyền xử lý đầu năm 2022. Ảnh: Lâm Nguyễn
Một công trình vi phạm trên đất nông nghiệp tại xã Tiên Dược bị chính quyền xử lý đầu năm 2022. Ảnh: Lâm Nguyễn

Trong khi đó tại xã Phú Cường, 51 trường hợp vi phạm về sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích và xây dựng trái phép đã được ghi nhận với tổng diện tích khoảng 1,2ha. Thực hiện kết luận thanh tra của Sở TN&MT Hà Nội, địa phương này đã tiến hành giải tỏa được 50 vi phạm; chỉ còn 1 trường hợp đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để xử lý trong năm 2022.

Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Toàn cho biết, thống kê toàn huyện có 1.533 trường hợp vi phạm về đất nông nghiệp. Đến nay, đã xử lý được 1.471 trường hợp; còn lại 62 vi phạm cần tiếp tục giải toả. Đáng chú ý khi hiện nay, 18/26 địa phương đã xử lý xong 100% số vi phạm theo kết luận thanh tra của Sở TN&MT Hà Nội.

Một số địa phương có số lượng vi phạm lớn nhưng đến nay đã giải tỏa xong có thể kể tới là: Tân Hưng, Quang Tiến, Thanh Xuân, Minh Phú, Tân Minh… Sau giải tỏa, hầu hết các địa phương đều quản lý khá tốt quỹ đất, không để tái vi phạm về xây dựng, lấn chiếm và sử dụng sai mục đích.

Vẫn nóng quản lý đất công, đất nông nghiệp công ích

Trong khi việc quản lý đất nông nghiệp đang dần đi vào nền nếp thì những vi phạm về đất công, đất nông nghiệp công ích tại một số địa phương của huyện Sóc Sơn vẫn khá phức tạp. Điển hình như tại xã Đông Xuân, khi Kết luận thanh tra số 139 của Sở TN&MT Hà Nội chỉ ra địa phương này có 39 vi phạm sử dụng đất công. Tuy nhiên số trường hợp đã bị xử lý chỉ là 4 trường hợp; hiện còn tới 35 vi phạm chưa được xử lý.

Theo thống kê của Phòng TN&MT huyện Sóc Sơn, toàn huyện hiện còn tồn đọng 94 trường hợp vi phạm đất công do UBND xã quản lý. Trong số này, ngoài xã Đông Xuân, 10 xã khác vẫn còn tồn đọng vi phạm đất công nhiều gồm: Xuân Thu 19 trường hợp, Minh Trí 16 trường hợp, Trung Giã 11 trường hợp, Kim Lũ 5 trường hợp…

Tổng diện tích đất công vi phạm còn tồn đọng cho đến nay vào khoảng 3,32ha. Các vi phạm chủ yếu là xây dựng nhà ở trái phép; bố trí lắp đặt nhà xưởng, nhà kho; sử dụng đất công làm bến, bãi kinh doanh mặt bằng…

Cùng với đất công, toàn huyện Sóc Sơn vẫn còn 48 trường hợp vi phạm sử dụng đất nông nghiệp công ích do UBND xã quản lý, với tổng diện tích hơn 2,15ha. Hiện, 8 xã vẫn còn vi phạm liên quan đến đất nông nghiệp công ích. Trong đó, chiếm số lượng vi phạm lớn nhất là xã Phù Lỗ với 12 trường hợp, tiếp đến là xã Tiên Dược 10 trường hợp; các xã Tân Dân, Hồng Kỳ, Minh Phú - mỗi địa phương còn tồn đọng 3 trường hợp…

Theo Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Thu, các vi phạm trên đất công và đất nông nghiệp công ích do UBND xã quản lý chủ yếu là xây dựng nhà ở trái phép; bố trí lắp đặt nhà kho, nhà xưởng. Chính vì vậy, việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn hơn so với các trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp.

Kỷ luật cán bộ để phát sinh vi phạm

Thực tế quá trình quản lý đất nông nghiệp hiện nay trên địa bàn huyện Sóc Sơn nói riêng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử, bản đồ địa chính đất nông nghiệp đo đạc năm 1993 đã không còn phù hợp thực tế quản lý, sử dụng. Bản đồ đo đạc diện tích đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa chưa được nghiệm thu thanh lý, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện ghi nhận một số trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sủ dụng đất sang đất ở hoặc đất phi nông nghiệp từ trước ngày 1/7/2014. Tuy nhiên đến nay lại không còn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, cho phép được giữ nguyên hiện trạng.

Một số diện tích đất công nằm trong cùng các thửa đất giao theo Nghị định số 64/NĐ-CP của Chính phủ cho các hộ gia đình, cá nhân chưa được bóc tách cụ thể. Cá biệt có trường hợp đã thanh lý, chấm dứt hợp đồng cho thuê trên đất công nhưng vẫn đang tồn tại tài sản của người thuê đất trước đây trên đất, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản.

Để chấn chỉnh vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích và đất công do UBND xã quản lý, vừa qua, UBND huyện Sóc Sơn đã yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn ký cam kết về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng.

Theo đó, huyện đề nghị lãnh đạo các địa phương thực hiện nghiêm trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã theo quy định tại Điều 208 Luật Đất đai 2013. Đảm bảo mọi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng phải được kiểm tra, phát hiện kịp thời, lập hồ sơ và xử lý đúng quy định pháp luật. Đối với các trường hợp vi phạm còn tồn đọng hiện nay, phải tập trung rà soát, phân loại, xây dựng kế hoạch và phương án để sớm giải toả dứt điểm.

Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết, địa phương chủ trương không có vùng cấm trong xử lý vi phạm. "Thời gian tới, huyện đề nghị chính quyền các địa phương không để phát sinh vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng. Trường hợp để phát sinh vi phạm mà không kịp thời phát hiện, xử lý, thì Chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm và hình thức kỷ luật theo quy định pháp luật" - ông Phạm Văn Minh cho biết.

 

"Đề nghị Sở TN&MT Hà Nội sớm nghiệm thu bản đồ đo đạc diện tích đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa và bản đồ địa chính tổng thể cho các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Đồng thời, sớm có hướng dẫn trình tự thực hiện đăng ký sử dụng đất theo hiện trạng đối với trường hợp tự ý chuyển mục đích từ đất nông nghiệp (đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) sang đất ở hoặc đất phi nông nghiệp từ trước ngày 1/7/2014 nhưng nay không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, cho phép được giữ nguyên hiện trạng…" - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Toàn

Theo thống kê của UBND huyện Sóc Sơn, toàn huyện hiện có 180 đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất nông nghiệp, đất công do UBND xã quản lý. Trong số này, 143 đề án đã được phê duyệt và phát huy hiệu quả tốt. Đối với các đề án còn lại, có 24 trường hợp mà chủ đầu tư vi phạm sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép và 13 đề án chưa triển khai. UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành quyết định thu hồi đối với 28 đề án có vi phạm hoặc chậm triển khai theo quy định.