Sóc Trăng: Chú trọng đầu tư vào ngành kinh tế mũi nhọn du lịch

Xuân Lương - Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng tổ chức Hội nghị trực tuyến chuyên đề “Phát triển kinh tế du lịch tỉnh Sóc Trăng”. Hội nghị được trực tiếp tại Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh; trực tuyến tại 11 điểm cầu khác với gần 1.000 đại biểu tham dự.

Theo ông Trần Minh Lý - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng, với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Sóc Trăng đã và đang phát triển các loại hình du lịch đặc trưng, gồm du lịch tâm linh, du lịch văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch biển.

Năm 2022, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt khoảng 2,8 triệu lượt (tăng 2,8 lần so với năm 2020), tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.484 tỷ đồng (tăng 3,5 lần so với năm 2020). Trong 10 tháng năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt 2,4 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 1.200 tỷ đồng (vượt 18% kế hoạch năm, tăng 2% so với cùng kỳ).

Sóc Trăng đang phát triển các loại hình du lịch đặc trưng, gồm du lịch tâm linh, du lịch văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch biển.
Sóc Trăng đang phát triển các loại hình du lịch đặc trưng, gồm du lịch tâm linh, du lịch văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch biển.

Ngành du lịch tỉnh Sóc Trăng đang đối diện với một số khó khăn như: sản phẩm du lịch đặc thù còn ít; thiếu các khu vui chơi giải trí để thu hút khách lưu trú; hệ thống cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp (chưa có khách sạn 4, 5 sao); chưa khai thác tốt các loại hình di sản văn hoá, di tích lịch sử; nguồn vốn thu hút đầu tư vào du lịch còn nhiều hạn chế; nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu…

Theo đánh giá của một số chuyên gia, các đơn vị lữ hành, khách du lịch chưa coi Sóc Trăng là điểm đến phải “ở lại”, mà chỉ là nơi “đi qua”. Ngành du lịch Sóc Trăng cũng đang thiếu các nhà đầu tư tạo ra sự đột phá. Trong tương lai, với việc hình thành các tuyến giao thông đường bộ đi qua Sóc Trăng, cùng với cảng biển nước sâu Trần Đề sẽ tạo cơ hội rất lớn cho ngành du lịch tỉnh này phát triển.

Theo đó, tỉnh cần ưu tiên phát triển các vùng du lịch mang tính động lực (TP Sóc Trăng, Cù Lao Dung, Vĩnh Châu); phát triển các sản phẩm du lịch có khả năng giữ khách, tạo doanh thu lớn; phát triển du lịch nông nghiệp, lễ hội, ẩm thực… Trong thực tế, tiềm năng du lịch của Sóc Trăng là rất lớn, nhiều địa phương sẽ là điểm đến của du khách như ở các địa phương TP.Sóc Trăng, huyện Cù Lao Dung, huyện Trần Đề, Mỹ Tú, TX Vĩnh Châu…

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh: “Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; được xem là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn đang được chú trọng đầu tư và ngày càng có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế chung của đất nước. Đối với tỉnh Sóc Trăng, để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, ngày 02/8/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05 về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, với quan điểm “du lịch là một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Phát triển du lịch gắn với quảng bá hình ảnh địa phương, văn hóa, con người Sóc Trăng”.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là khung pháp lý quan trọng, làm căn cứ để triển khai các chương trình phát triển du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Theo đó, ngành du lịch tỉnh phát triển theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại và phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Sóc Trăng.