Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sóc Trăng: Tưng bừng Khai mạc Giải đua ghe Ngo 2023

Xuân Lương - Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Knhtedothi - Giải đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm nay có 46 đội trong tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh khu vực ĐBSCL đăng ký tham gia.

Trong khuôn khổ Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng năm 2023, tại sông Maspero, ngày 26/11, đã diễn ra Lễ khai mạc Giải đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Giải đua từng xác lập kỷ lục Việt Nam từ năm 2005 đến nay với số lượng ghe và vận động viên tham gia nhiều nhất.

Hàng nghìn vận động tham gia thi đấu tại Giải đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023. (Ảnh: Xuân Lương)
Hàng nghìn vận động tham gia thi đấu tại Giải đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023. (Ảnh: Xuân Lương)

Giải Ðua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm nay có 46 đội trong tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh khu vực ĐBSCL đăng ký tham gia; trong đó có 6 đội ghe Ngo nữ. Riêng đơn vị tỉnh Sóc Trăng có 35 đội ghe Ngo nam và 3 đội ghe Ngo nữ tham gia giải.

Đông đảo khán giả đến cổ vũ các đội đua. (Ảnh Xuân Lương)
Đông đảo khán giả đến cổ vũ các đội đua. (Ảnh Xuân Lương)

Về hình thức thi đấu, đối với nội dung nam, 40 đội chia làm 10 bảng, 1 bảng có 4 đội. Các đội cùng thi đấu vòng tròn một lượt để chọn 32 đội đi tiếp vào giai đoạn 2 cho ngày thi đấu hôm sau (27/11).

Đối với nội dung nữ chia làm 2 bảng, mỗi bảng 3 đội ghe, thi đấu vòng tròn một lượt để chọn 4 đội đi tiếp vào giai đoạn 2, thi đấu chọn 3 đội nhất, nhì, ba.

Các đội đua bứt tốc để về đích. (Ảnh Xuân Lương)
Các đội đua bứt tốc để về đích.
(Ảnh Xuân Lương)

Về cơ cấu giải thưởng năm nay, ở nội dung thi đấu nam với cự ly 1.200 mét, giải nhất là 200 triệu đồng; giải nhì 150 triệu đồng; giải ba 100 triệu đồng và giải tư 80 triệu đồng. Ở giải nữ thi đấu với cự ly 1.000 mét, giải nhất là 150 triệu đồng; giải nhì 100 triệu đồng; giải ba 80 triệu đồng và giải tư 50 triệu đồng. Ngoài ra, còn có giải thưởng dành cho các đội nhất bảng, nhì bảng và chiến thắng qua từng vòng đấu.

Đua ghe Ngo là môn thể thao dân gian truyền thống trong những ngày diễn ra lễ cúng trăng, thu hút hàng vạn người đến xem. Lúc đầu, đây chỉ là một trò chơi dân gian diễn ra trong đêm cúng trăng, nhằm dâng lên các đấng thần tiên nơi cung trăng thưởng thức. Dần dần trò chơi này được nâng lên thành lễ hội, mang tầm cỡ khu vực, thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân đến tham dự.