Sôi động chương trình “Mùa xuân tôn vinh văn hóa dân tộc 2014”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình "Mùa xuân tôn vinh văn hóa dân tộc 2014" do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức đã khai mạc cuối tuần qua tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn (huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Tri ân công đức các Vua Hùng

Theo ông Thuận Hữu - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đây là lần đầu tiên, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các tổ chức xã hội nghề nghiệp tổ chức chuỗi sự kiện "Mùa xuân tôn vinh văn hóa dân tộc" nhằm hưởng ứng "Ngày văn hóa hóa các dân tộc Việt Nam" (19/4), quảng bá, tôn vinh giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc, kỷ niệm ngày giỗ Quốc tổ Hùng Vương, đồng thời phát động phong trào từ thiện hướng tới xây dựng "Quỹ Nhân ái" ủng hộ trẻ em nghèo Việt Nam.
Thợ làng nghề tạc tượng Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội tại gian hàng.     Ảnh: Hạnh Phúc
Thợ làng nghề tạc tượng Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội tại gian hàng. Ảnh: Hạnh Phúc
Đúng 9 giờ 30 sáng 5/4, lễ khai mạc - Thượng cờ đã được tiến hành trong hình ảnh lá cờ Đại lễ lớn nhất Việt Nam được thả bay trên bầu trời. Lá cờ có kích thước 324m2 được cung tiến lên các Vua Hùng ở đền Thượng (Đền Hùng) hôm 1 tháng Ba Âm lịch vừa qua đã tăng thêm sự long trọng thành kính khi thực hiện lễ giỗ các Vua Hùng tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn.

Đặc biệt, ngày 6/4, hàng ngàn người đã tham gia lễ rước Đức Thánh tổ nghề điêu khắc, tạc tượng sơn son thếp vàng, bạc Sơn Đồng, Hoài Đức và dâng lên Vua Hùng và tổ tiên các sản vật, nói về công sức của các làng nghề và nghệ nhân, hướng về điều thiện, hướng về văn hóa. Anh Nguyễn Văn Bảy (xã Sơn Đồng, Hoài Đức) phấn chấn: "Đây là lần đầu tiên, chúng tôi được tham gia một chương trình có quy mô lớn như thế này. Là một người thợ của làng nghề điêu khắc Sơn Đồng, tôi cảm thấy tự hào về nghề nghiệp của mình".

Tiếng nói các làng nghề

"Hội chợ hàng Việt" với 70 gian hàng gồm nhiều chủng loại sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc cũng được mở ra ngày trong ngày đầu vào hội. Những gian hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề nức tiếng đất Kinh kỳ xưa như lụa Vạn Phúc, mỹ nghệ Sơn Đồng, nón Chuông… Tiếng nói các làng nghề truyền thống còn âm vang trong triển lãm các làng nghề, phố nghề và các sản phẩm tinh hoa truyền thống. Ấy là tượng gỗ, nguyên mẫu 18 vị La Hán chùa Tây Phương của làng nghề điêu khắc tạc tượng sơn son thếp vàng bạc Sơn Đồng, Hoài Đức; bộ sưu tập áo dài nghệ thuật của nghệ nhân Lan Hương; tranh thêu của Hội Thêu TP Hà Nội; lụa Vạn Phúc; khảm sơn mài Chuôn Ngọ; tranh kính nghệ thuật Hà Đông; và nhiều sản phẩm gốm tái hiện lịch sử dân tộc của nhóm nghệ nhân tiêu biểu làng gốm Bát Tràng… 

Trong một gian hàng, anh Nguyễn Việt Hùng - người xã Sơn Đồng, tỉ mỉ đẽo tượng như muốn khách tham quan thấy được sự cầu kỳ, tinh tế trong từng đường nét của sản phẩm thủ công này. Anh Nguyễn Duy Thắng, nghệ nhân đồ thủ công mỹ nghệ từ tre (xóm Chiêu, Sơn Đồng) cho biết: "Các sản phẩm từ tre mấy năm nay được nhiều người quan tâm, nhất là khách quốc tế. Nhờ vậy, sản phẩm của chúng tôi đã xuất sang một số nước như Thái Lan, Lào, Trung Quốc". Gặp ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tại gian hàng này, ông cho hay, ngày 7/4, trong khuôn khổ sự kiện, Hiệp hội cũng sẽ công bố và phát động từ nay đến năm 2015 thực hiện chương trình "Festival cây tre Việt Nam" để khơi dậy và tôn vinh giá trị văn hóa cũng như giá trị kinh tế của cây tre - loại cây gắn bó mật thiết với đời sống nông dân Việt Nam và văn hóa dân tộc từ quá khứ đến hiện tại.

Bên cạnh các gian hàng thủ công mỹ nghệ, các gian hàng ẩm thực cũng hết sức phong phú các loại mặt hàng như: Bánh phu thê Đình Bảng, bánh cuốn Thanh Trì, bánh đậu xanh Hải Dương, chè lam Thanh Hóa… Tất cả đều là sản phẩm làng nghề được dâng lên Vua Hùng và các bậc Tổ nghề. Và không khí hội dân gian, không khí làng nghề truyền thống không chỉ được âm vang nhờ tiếng nói của bản thân các sản phẩm làng nghề, mà còn từ các chương trình nghệ thuật, các trò chơi dân gian. Rất nhiều khách tham quan tỏ ra hứng thú trước cuộc thi nặn tò he, thư pháp, thao diễn tay nghề của các nghệ nhân, giao lưu ẩm thực ba miền…

Các hoạt động tôn vinh văn hóa dân tộc sẽ kéo dài tới hết ngày 9/4/2014.

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần