Thị trường nhiều tiềm năng
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiêu dùng lớn hàng đầu ở châu Á. Với tốc độ tăng trưởng bình quân vào khoảng 10%/năm, giá trị thị trường bán lẻ của Việt Nam ước tính sẽ đạt đến 160 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020. Đây cũng là lĩnh vực diễn ra rất nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn cũng như thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài khi các “đại gia” đang tăng tốc chiếm lĩnh thị phần.
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiêu dùng lớn hàng đầu ở châu Á. Ảnh minh họa |
Nếu như năm 2005 chỉ có 18 thương vụ M&A với tổng giá trị 61 triệu đô la Mỹ thì đến năm 2017 con số này đã tăng lên thành 10,2 tỷ đô la Mỹ. Một số thương vụ M&A bán lẻ nổi trội trong giai đoạn này có thể kể đến như Central Group thâu tóm chuỗi 33 siêu thị, đại siêu thị BigC Việt Nam với giá 1,14 tỷ đô la Mỹ hồi tháng 4/2016. Tháng 1/2016, TTC Holdings thâu tóm Metro Cash & Cary Việt Nam, sau đó hợp nhất với Big C Thái Lan. Ước tính Metro chiếm khoảng 22% thị phần bán lẻ của Việt Nam nhưng đã thua lỗ khoảng 12,5 triệu đô la kể từ khi hoạt động.
Không chỉ có các DN nước ngoài tham gia thị trường, M&A trong ngành bán lẻ đã và đang chứng kiến sự trỗi dậy của các nhà đầu tư trong nước. Năm 2017 diễn ra thương vụ Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động thâu tóm chuỗi siêu thị điện máy Trần Anh với số tiền là 824 tỷ đồng.
Năm 2018, tập đoàn BGR đã trở thành nhà đầu tư chiến lược khi mua lại 65% cổ phần của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). Hay vào tháng 10/2018, Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại VinCommerce, đơn vị thành viên của tập đoàn Vingroup, xác nhận việc mua lại 100% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart sau khi tập đoàn Aeon (Nhật) chấm dứt việc rót vốn. Hệ thống 25 siêu thị Fivimart đã được đổi tên thành VinMart khi thương vụ hoàn tất. Sau sáp nhập, VinCommerce sở hữu hệ thống bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam với khoảng hơn 100 siêu thị VinMart và 1.400 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc. Tập đoàn này cũng đã chính thức nắm quyền kiểm soát Viễn Thông A hồi đầu tháng 11/2018.
Các doanh nghiệp bán lẻ trên sàn hoạt động hiệu quả
Kết thúc năm 2018, nhóm doanh nghiệp bán lẻ đang niêm yết trên TTCK ghi nhận một năm khá tốt với mức tăng trưởng lãi ròng dự tính khoảng 30%.
Đầu tiên là Thế giới Di động (MWG). Nếu đầu năm 2018, công ty này đặt kế hoạch tham vọng với 1.000 cửa hàng Bách Hóa Xanh thì đến nay doanh nghiệp đã chuyển hướng tập trung vào chất lượng thay vì số lượng. Thời gian đầu, mô hình cửa hàng nhỏ nằm trong khu dân cư cho thấy là một sai lầm, doanh thu trung bình mỗi cửa hàng giảm mạnh, từ 730 triệu/tháng vào cuối năm 2017 xuống còn 570 triệu/tháng trong tháng 2/2018. MWG sau đó thay đổi chiến lược từ quí 2 với cửa hàng có quy mô từ vừa đến lớn và nằm trên các trục đường chính dẫn vào khu dân cư.
Kết quả của sự thay đổi trên là doanh thu trung bình tăng lên 1,2 tỷ đồng/tháng vào tháng 11-2018, biên lợi nhuận cũng tăng từ 12% lên 17% trong cùng giai đoạn và chuỗi Bách Hóa Xanh đang tiến rất gần tới điểm hòa vốn. Còn Điện Máy Xanh, chiếm 55% doanh thu, vẫn đang là mảng kinh doanh chính giúp MWG hoàn thành doanh thu và lợi nhuận. Mới đây, MWG cũng đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh thông qua việc bán đồng hồ ngay trên trang web công ty.
Các thương hiệu mà Thế giới Di động mở bán gồm có Micheal Kors, Fossil, Daniel Wellington, Casio và đây đều là phân khúc đồng hồ thời trang, có giá dưới 10 triệu đồng (phổ biến dưới 7 triệu đồng). Dù mới chỉ thử nghiệm bước đầu nhưng thị trường bán lẻ đồng hồ tại Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng nên cơ hội phát triển mảng kinh doanh này cho MWG là không hề nhỏ.
Công ty Vàng bạc Đá quí Phù Nhuận (PNJ) cũng là một doanh nghiệp bán lẻ có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2018 nhờ thị trường trang sức tăng trưởng ổn định. Trong chín tháng đầu năm 2018, PNJ đã mở thêm 44 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên 308. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 35% và 38% trong chín tháng đầu năm 2018. Tốc độ tăng trưởng doanh thu cùng cửa hàng duy trì ở mức cao (23%).
Trong năm 2018, PNJ đã tách mảng bán sỉ ra và thành lập công ty riêng chuyên về bán sỉ và mở một trung tâm bán sỉ. Ngược lại, mảng bán đồng hồ của PNJ mặc dù tiềm năng nhưng vẫn còn khá nhỏ. Hiện PNJ đang bán khoảng 1.000 mẫu đồng hồ thông qua trang web trực tuyến và 14 điểm bán lẻ, tất cả đều ở TP Hồ Chí Minh.
Với Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT), mặc dù thị trường điện thoại đang tăng trưởng chậm lại, công ty vẫn tìm được cách để tăng doanh thu mặt hàng này. Đón đà tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng, FRT xúc tiến hai chương trình trả góp đặc biệt F.Friends và Subsidy. Hiện 2 chương trình này đang đóng góp gần 10% doanh thu cho FRT và là một trong những trọng tâm phát triển của công ty trong năm 2019.
Riêng chuỗi nhà thuốc Long Châu có vẻ cũng đang đi đúng hướng với hơn 10 cửa hàng được mở mới đến nay. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 14% lên 17% trong khi biên lợi nhuận ròng giảm từ 5% xuống 1,6% do chi phí quản lý tăng.
Công ty cổ phần Thế Giới Số (DGW) lại cho thấy chiến lược đúng đắn khi đi vào thị trường ngách. Trở thành nhà phân phối độc quyền cho Xiaomi từ năm 2017, sản phẩm này đã giúp DWG hoàn thành được kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2018. Trong đó, thị phần điện thoại Xiaomi tăng 70%, kéo theo tăng trưởng 300% doanh thu cho DGW từ mảng điện thoại di động (chín tháng 2018). Mảng này đóng góp khoảng 40% tổng doanh thu của DWG.