Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sôi nổi Giải đua ghe Ngo Sóc Trăng năm 2022

Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII, ngày 7/11, Ban tổ chức đã khai mạc Giải đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022.

Dự Lễ khai mạc có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng và đại diện các Sở, Ban, Ngành các tỉnh, thành cùng tham dự giải đua.

Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng tặng cờ lưu niệm các đội thi. 
Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng tặng cờ lưu niệm các đội thi. 

Đua ghe Ngo là phần hấp dẫn nhất trong Lễ hội Óoc Om Bóc; một trong lễ hội lớn của người Khmer bên cạnh Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và lễ cúng ông bà Sene Dolta. Lễ hội đua ghe Ngo Sóc Trăng trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đã giúp đồng bào nơi đây tiếp tục gìn giữ, phát huy lễ hội truyền thống đặc sắc này.

Các đội đua vào vị trí xuất phát. Ảnh Minh Trung
Các đội đua vào vị trí xuất phát. Ảnh Minh Trung

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trần Văn Lâu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Lễ hội Óoc Om Bóc – Đua ghe Ngo là một trong những hoạt động văn hóa, truyền thống đặc sắc lâu đời của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ. Lễ hội tạo sinh khí vui tươi, đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em của các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Lễ hội được tổ chức duy trì hằng năm, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng dân tộc Khmer.

Theo dân gian, chiếc ghe Ngo (còn gọi là Tuk Ngo) đã xuất hiện ở đồng bằng từ lâu đời. Xuất phát từ hình ảnh con rắn trườn đi trên mặt nước, người dân nơi đây đã tạo dáng chiếc ghe Ngo như con rắn cho gọn nhẹ, dễ bơi. Ảnh Minh Trung
Theo dân gian, chiếc ghe Ngo (còn gọi là Tuk Ngo) đã xuất hiện ở đồng bằng từ lâu đời. Xuất phát từ hình ảnh con rắn trườn đi trên mặt nước, người dân nơi đây đã tạo dáng chiếc ghe Ngo như con rắn cho gọn nhẹ, dễ bơi. Ảnh Minh Trung

Giải đua ghe Ngo năm 2022 có 55 đội ghe ngo đến từ 7 tỉnh khu vực ĐBSCL là Kiên Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Trong đó, có 10 đội ghe Ngo nữ tranh tài ở cự li 1.000m và 45 đội ghe Ngo nam tranh tài ở cự ly 1.200m.

Các đội ghe nằm ở bảng có 5 đội, thi đấu chọn 3 đội ghe nhất, nhì, ba và 1 vé vớt (tư), còn những bảng có 4 đội, thì chọn thêm đội đứng thứ ba (vé vớt bốc thăm) vào vòng 32 đội.

Các đội tranh tài quyết liệt dưới sự cổ vũ nhiệt tình của hàng nghìn người dân. Ảnh Minh Trung
Các đội tranh tài quyết liệt dưới sự cổ vũ nhiệt tình của hàng nghìn người dân. Ảnh Minh Trung

Sau Lễ khai mạc, giải đã diễn ra nhiều trận đấu tại vòng loại các bảng; bán kết, chung kết và lễ trao giải sẽ diễn ra vào chiều mai (8/11).

Các trận đấu diễn ra hấp dẫn và kịch tích ngay từ vòng loại.
Các trận đấu diễn ra hấp dẫn và kịch tích ngay từ vòng loại.

Trước đó, tại Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII, năm 2022 và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ V khu vực ĐBSCL năm 2022, UBND tỉnh Sóc Trăng đã đón nhận bằng công nhận kỷ lục Việt Nam do Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận lập kỷ lục về số lượng đội ghe ngo và số lượng vận động viên đua ghe ngo nhiều nhất lễ hội Oóc Om Bóc tính từ năm 2005 đến nay.

 

Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII, năm 2022 và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ V khu vực ĐBSCL năm 2022 còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch mang đậm bản sắc đồng bào Khmer Nam Bộ như: trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương như hiện vật, hình ảnh, nhạc cụ, trang phục của dân tộc Khmer; trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào Khmer; trình diễn trang phục dân tộc truyền thống dân tộc Khmer, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân tộc Khmer; không gian trưng bày, trình diễn chế biến và giới thiệu văn hóa ẩm thực dân tộc Khmer truyền thống.