Sôi nổi hoạt động văn hóa dịp nghỉ lễ

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Trong dịp lễ 30/4 - 1/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều hoạt động lễ hội văn hóa, du lịch sẽ được diễn ra tại Hà Nội vừa nhằm giáo dục truyền thống cách mạng vừa góp phần quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch.

Độc đáo sắc màu văn hóa

Từ ngày 29/4 - 3/5, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) diễn ra các hoạt động hấp dẫn, ý nghĩa với chủ đề “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam” nhân dịp nghỉ lễ chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023) và ngày Quốc tế lao động 1/5.

Khách du lịch tham quan làng nghề Bát Tràng. Ảnh: Lại Tấn
Khách du lịch tham quan làng nghề Bát Tràng. Ảnh: Lại Tấn

“Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam” có sự tham gia của khoảng 100 đồng bào từ 16 dân tộc đang hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa. Trong đó điểm nhấn là tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc miền Tây Bắc, Đông Bắc với chủ đề “Sắc màu Lào Cai”. Tham gia chương trình, du khách có thể trải nghiệm đi chợ và thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian tại chợ vùng cao do chính những cộng đồng dân tộc thực hiện, giới thiệu phục vụ du khách.

“Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam” còn có các hoạt động tái hiện như không gian trao đổi mua bán, chế biến các món ăn truyền thống, uống rượu ngô, ăn thắng cố, mèn mén chúc tụng chia vui, những cặp trai gái người Mông say sưa với những điệu khèn, không gian đồng bào Thái, Mông, Nùng.

Khách du lịch tham gia tour đêm Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Lại Tấn
Khách du lịch tham gia tour đêm Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Lại Tấn

Với những ai yêu thích nghệ thuật truyền thống có thể đến với chương trình biểu diễn nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui” do Sở VH&TT tổ chức ngày 28/4 tại sân khấu trước Tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, khu vực đền Bà Kiệu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Cùng với đó, 7 đơn vị nhà hát trực thuộc Sở VH&TT Hà Nội sẽ có chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các quận, huyện vào các ngày trong tháng 4 và tháng 5/2023.

Bên cạnh đó, một trong những hoạt động được dự đoán sẽ thu hút nhiều du khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay là chương trình Lễ hội chào Hè "Aloha Summer", khai trương nông trại và công viên nước mới (từ ngày 29/4 - 3/5) tại điểm du lịch Công viên Thiên đường Bảo Sơn. Ngoài ra, trong dịp nghỉ lễ tại Bảo tàng dân tộc học sẽ có hoạt động múa rối nước, trải nghiệm mặc trang phục truyền thống của Hàn Quốc từ ngày 29/4 - 30/4.

Trải nghiệm tìm hiểu văn hóa, lịch sử

Tại các di tích lịch sử, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn. Đơn cử, từ ngày 29/4 - 3/5, tại điểm du lịch Phù Đổng sẽ có các chương trình trải nghiệm sinh thái, khám phá quê hương Thánh Gióng; tham quan di tích Đền Gióng và các hoạt động tìm hiểu về văn hóa địa phương. Đồng thời, tại điểm du lịch Bát Tràng, ngày 30/4 sẽ diễn ra triển lãm "Ký ức con đường lửa" tại Nhà Gian khó và khai trương Nhà "Bát Tràng tôi còn nhớ" ở Nhà cổ.

Cùng với các hoạt động trải nghiệm, du khách yêu thích lịch sử có thể lựa chọn tour du lịch “Tìm về kinh đô người Việt cổ” mới được Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội ra mắt. Tour du lịch này bắt đầu khởi hành từ Khu di tích Hoàng thành Thăng Long tiến về Khu di tích Cổ Loa.

Có rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật hấp dẫn người dân và du khách trong dịp nghỉ lễ. Ảnh: Phạm Hùng
Có rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật hấp dẫn người dân và du khách trong dịp nghỉ lễ. Ảnh: Phạm Hùng

Tại đây, du khách được tham quan nhà trưng bày hiện vật khu di tích Cổ Loa; đình Ngự Triều Di Quy - xưa là nơi thiết triều bàn chính sự của triều đình thời bấy giờ; đền Cổ Loa - nơi thờ An Dương Vương; am bà Chúa - nơi thờ công chúa Mỵ Châu. Ngoài ra, trên hành trình này, du khách còn tham quan thành Cổ Loa, trải nghiệm làm mũi tên đất và thưởng thức đặc sản bún Mạch Tràng.

Một lựa chọn khác là tour kết nối di sản Hoàng thành Thăng Long - chùa Vĩnh Nghiêm - Tây Yên Tử có tên “Hành trình theo dấu chân Phật Hoàng”. Đây là một tour trải nghiệm văn hóa hết sức thú vị với những câu chuyện về Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Đảm bảo hoạt động du lịch diễn ra an toàn

Cùng với Hà Nội, trong 5 ngày nghỉ lễ, các địa phương tổ chức nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Tại Đà Nẵng, chương trình biểu diễn nghệ thuật “Âm nhạc dân tộc”, “Hát dân ca và hô hát bài Chòi” diễn ra vào các tối 29 và 30/4 tại khu vực bờ Đông cầu Rồng. Tối 30/4 còn có chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật với chủ đề “Vũ điệu sông Hàn”.

Tại TP Hồ Chí Minh, cùng với chương trình bắn pháo hoa vào tối 30/4 còn có các hoạt động khác như: Triển lãm ảnh "Tự hào một dải biên cương" tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ, đường Đồng Khởi, Cung Văn hóa Lao động (quận 1) từ ngày 25/4 - 6/5.

Bên cạnh các chương trình hấp dẫn trong dịp nghỉ lễ, để đảm bảo cho kỳ nghỉ lễ vui tươi, lành mạnh, ngày 20/4, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) đã gửi công văn cho các Sở VHTT&DL, yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Theo đó, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Bộ VHTT&DL yêu cầu tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các sự kiện văn hóa, văn nghệ, lễ kỷ niệm, các hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí tập trung đông người trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 phù hợp với quy định, hướng dẫn của ngành y tế.

Địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần