Theo đó, UBND quận Hà Đông triển khai Hội thi nhằm thực hiện Luật Hòa giải cơ sở được Quốc hội phê chuẩn ngày 20/6/2013, chỉ đạo của Chính phủ và TP Hà Nội về nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh, đề cao việc tổ chức, giáo dục cán bộ, Nhân dân phát huy tinh thần tương thân, tương ái, làm tốt công tác dân vận, giáo dục và phổ biến tuyên truyền pháp luật cho Nhân dân, thuyết phục quần chúng hòa giải ở cơ sở nhằm giải quyết kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn trong Nhân dân với phương châm: “Xét xử đúng là tốt nhưng không phải xét xử lại càng tốt hơn”.
Tư tưởng đó của Người đã đặt nền móng cho sự ra đời, phát triển của công tác hòa giải ở cơ sở và được thể hiện rõ nét trong các Sắc lệnh của Người từ những ngày đầu khi chính quyền Nhân dân mới được thành lập.
Phát biểu tại hội thi, Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền - Trưởng công an quận Hà Đông cho biết: “Thấm nhuần tư tưởng của Bác, xác định rõ vai trò của lực lượng hòa giải viên cũng như tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, Công an quận Hà Đông đã tích cực tham mưu Chủ tịch UBND quận chỉ đạo UBND các phường về việc củng cố, kiện toàn hoạt động của các “Tổ hòa giải” ở cơ sở.
Từ tháng 4/2023, lực lượng cảnh sát khu vực được đưa vào làm thành viên tổ hòa giải để tăng cường công tác nắm tình hình và giải quyết kịp thời, dứt điểm những mâu thuẫn ngay từ cơ sở, không để phát sinh phức tạp kéo dài”.
Đến nay, trên toàn quận có 257 tổ hòa giải với 1.631 thành viên. Công tác hòa giải ở cơ sở đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, được sự ủng hộ đông đảo của Nhân dân, cán bộ trên địa bàn, góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Việc UBND quận Hà Đông tổ chức Hội thi "Tìm hiểu kiến thức pháp luật và kỹ năng xử lý tình huống hòa giải" của các Tổ hòa giải cơ sở trên địa bàn quận, với mục đích, đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 và văn bản có liên quan trong công tác hòa giải; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền, phát huy vai trò của các ban, ngành, đoàn thể; nâng cao nhận thức, kỹ năng thực tế của tổ hòa giải góp phần phòng ngừa, giải quyết có hiệu quả mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở.
Hội thi cũng là dịp để ghi nhận và biểu dương những đóng góp tích cực của đội ngũ hòa giải viên; là sân chơi cho các hòa giải viên giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống cộng đồng.
Các đội thi tham gia Hội thi là những hòa giải viên được UBND các phường lựa chọn từ 5 cụm phường. Cụm 1 gồm phường Nguyễn Trãi, Văn Quán, Phúc La; cụm 2 gồm Kiến Hưng, Hà Cầu, Phú La; cụm 3 gồm Phú Lãm, Phú Lương, Đồng Mai, Biên Giang; cụm 4 gồm Yên Nghĩa, Dương Nội, Vạn Phúc, La Khê; cụm 5 gồm Quang Trung, Yết Kiêu, Mộ Lao.
Mỗi cụm ứng với 1 đội thi. Mỗi đội thi tối đa 10 người. Các đội thi phải trải qua 3 phần thi. Phần thi thứ nhất là giới thiệu; phần thi thứ 2 là tìm hiểu kiến thức về pháp luật hòa giải ở cơ sở; phần thi thứ 3 là thi kỹ năng xử lý tình huống.
Các đội thi phải nắm chắc kiến thức về pháp luật hòa giải ở cơ sở; kỹ năng hòa giải ở cơ sở; kiến thức pháp luật trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, đất đai, xây dựng, hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, xử lý vi phạm hành chính, ứng xử nơi công cộng, ứng xử trong gia đình...
Các đội thi trả lời qua câu hỏi trắc nghiệm và xử lý tình huống do ban giám khảo đưa ra. Các đội thi đã thể hiện sôi nổi phần thi, nhất là thể hiện phần kỹ năng xử lý tình huống. Kết quả Hội thi, giải Nhất được trao cho đội 4, giải Nhì, Ba thuộc về đội 1 và 3.