SOM 3: Bước chuẩn bị quan trọng cuối cùng cho APEC

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị Quan chức Cao cấp APEC lần 3 (SOM 3) là bước chuẩn bị quan trọng cuối cùng cho tuần lễ cấp cao APEC sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Đà Nẵng.

Hội nghị Quan chức Cao cấp APEC lần thứ 3 (SOM 3) khai mạc sáng nay 29/8 tại TP.HCM với sự chủ trì của Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Hội nghị sẽ kéo dài đến hết ngày 30/8.
 Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc cuộc họp. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết châu Á - Thái Bình Dương vẫn là một trong những khu vực được đánh giá cao nhất về triển vọng tăng trưởng. Dù vậy, sự đầu tư yếu kém, việc các chuỗi sản xuất xuyên biên giới bị giảm sút, chậm trễ tự do hóa đang làm cản trở thương mại toàn cầu và "chúng ta sẽ xem xét tất cả các công việc của APEC để xem có thể làm gì".

Nhiều đại biểu đánh giá APEC cần có cách tiếp cận toàn diện hơn nữa và các biện pháp tổng thể để đảm bảo người dân là trung tâm của các chính sách phát triển, đặc biệt trong bối cảnh đang diễn ra nhiều chuyển biến về kinh tế - xã hội như hiện nay. Thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội có thể tạo ra động lực mới, góp phần duy trì khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.

 Toàn cảnh Khai mạc SOM 3 tại TP Hồ Chí Minh.

Các khuyến nghị về nội dung, các mục tiêu, lĩnh vực ưu tiên của một chương trình hành động về phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội cũng đã được đề cập tại cuộc họp.

Đây cũng là dịp để các tổ chức quốc tế và khu vực như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Viện nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… chia sẻ kinh nghiệm và tầm nhìn về vấn đề phát triển bao trùm.

Hội nghị SOM 3 cùng các cuộc họp liên quan đang diễn ra tại TP.HCM từ ngày 18/8 đến nay là đợt hội nghị lớn thứ ba của Năm APEC. SOM 3 bao gồm 75 cuộc họp, hội thảo, đối thoại... của các ủy ban, nhóm công tác APEC trên nhiều lĩnh vực khác nhau: tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, kinh tế mạng, phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, tăng trưởng chất lượng, doanh nghiệp vừa và nhỏ...

APEC là diễn đàn mở, hoạt động theo nguyên tắc cùng lợi, đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc. Kể từ khi thành lập, APEC đã trải qua 4 đợt mở rộng và hiện có 21 nền kinh tế thành viên, hội tụ các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tính đến tháng 11/2016, APEC đại diện khoảng 39% dân số thế giới, đóng góp 59% GDP và 48% thương mại toàn cầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần