Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sớm cân bằng cung cầu thịt lợn

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong nước, đồng thời giúp mặt hàng này “hạ nhiệt” sau một thời gian dài “neo” ở mức cao, các địa phương đang tập trung tái đàn, tăng đàn. Bên cạnh đó, giải pháp nhập khẩu thịt lợn cũng đang được chú trọng triển khai.

Chế biến thực phẩm sạch tại Công ty CP thực phẩm Song Đạt, huyện Thanh Trì. Ảnh: Thanh Hải
Đã nhập khẩu khoảng 27.000 tấn
Thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, 1.500 tấn thịt lợn của Tập đoàn Miratorg (Liên bang Nga) vừa cập cảng Việt Nam. Hiện, các đơn vị liên quan đã làm xong thủ tục kiểm dịch, chuẩn bị thông quan. Bên cạnh đó, gần 2.000 tấn thịt lợn của tập đoàn này cũng đã được chuyển xuống tàu để nhập về Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài tập đoàn trên, đại diện Cục Thú y cho biết, đơn vị cũng đang đề nghị hai DN khác của Liên bang Nga khẩn trương hoàn thiện thủ tục, giấy tờ còn thiếu theo quy định để tiếp tục cấp phép xuất khẩu thịt lợn vào Việt Nam.
Theo Bộ NN&PTNT, dự kiến tăng trưởng đàn nái là 0,5%/tháng (6%/năm). Đến cuối năm 2020, tổng đàn nái cả nước có thể đạt khoảng 2,9 triệu con. Khả năng sản xuất bình quân 18 lợn con cai sữa/nái/năm; tỷ lệ lợn nuôi sống đến xuất chuồng là 90% và trọng lượng lợn hơi xuất chuồng bình quân 86kg/con. Đây là yếu tố quan trọng đối với mục tiêu phục hồi tổng đàn lợn trong giai đoạn tới.
Cùng với những lô hàng mới cập cảng Việt Nam từ Liên bang Nga, từ đầu năm 2020 đến nay, các DN trong nước đã nhập khẩu khoảng 25.500 tấn thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Canada 29,35%, Đức 19,43%, Ba Lan 11,83%, Brazil 9,98%, Hoa Kỳ 5,53%.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, việc đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn được xem là một trong hai giải pháp quan trọng để giảm áp lực nguồn cung trong nước, giúp mặt hàng này dần “hạ nhiệt” khi đã “neo” ở mức cao trong một thời gian dài.
“Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị các bộ ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo cơ quan trực thuộc tích cực hỗ trợ tối đa cho các DN tìm kiếm nguồn hàng chất lượng với giá cả hợp lý tại các nước xuất khẩu; đồng thời, xem xét chính sách giảm thuế để thúc đẩy nhập khẩu mặt hàng thịt lợn…” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin thêm.
Đầu tháng 7, lượng thịt lợn sẽ tăng mạnh
Bên cạnh đẩy mạnh nhập khẩu, Bộ NN&PTNT đã tập trung chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, DN và người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn lợn. Đây cũng là một trong những giải pháp được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại cuộc họp mới đây với các bộ ngành nhằm bình ổn giá cả, bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong nước về lâu dài.
Thực tế, việc tái đàn, tăng đàn đã được nhiều địa phương thực hiện từ tháng 7/2019, khi dịch tả lợn châu Phi bắt đầu có chiều hướng giảm. Đến nay, 63/63 tỉnh, TP trên cả nước đang thực hiện tương đối hiệu quả công tác này. Trong đó, 11 địa phương đã phát triển được tổng đàn lợn cao hơn so với trước thời điểm dịch tả châu Phi bùng phát hồi tháng 2/2019.
Thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy, tổng đàn lợn cả nước sau thời gian đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn hiện đạt khoảng 24 triệu con (tăng hơn 2 triệu con so với tháng 12/2019). Đáng chú ý, vào đầu năm 2020, tổng đàn lợn nái sinh sản đã đạt 2,62 triệu con (không bao gồm 110.000 con lợn giống ông bà, cụ kỵ).
Mặc dù vậy, việc tái đàn lợn cần ít nhất 5 - 7 tháng, do đó, từ tháng 1/2020 mới có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn. Bộ NN&PTNT cho rằng, nếu có thể kiểm soát tốt được dịch bệnh, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm 2020 có thể đạt khoảng 3,9 triệu tấn (tăng 18,4% so với năm 2019 và tăng 2,1% so với năm 2018).
Căn cứ số liệu của Tổng cục Thống kê, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn trong nước trung bình trong năm 2018 (trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát) là khoảng 920.000 tấn (chưa tính lượng thịt lợn xuất khẩu), Bộ NN&PTNT nhận định: Đến cuối tháng 6, đầu tháng 7/2020, Việt Nam có khả năng cân bằng được cung cầu thịt lợn trong nước.