Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai

“Sớm có giải pháp phòng ngừa các sai phạm trong ngành Y tế”

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai đề nghị Sở Y tế Hà Nội tiếp tục triển khai các biện pháp tuyên truyền về tiêm chủng vaccine Covid-19, đặc biệt sớm có giải pháp phòng ngừa các sai phạm trong ngành Y tế…

Chiều 9/9, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban xã hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai làm Trưởng đoàn đã làm việc với Sở Y tế Hà Nội. Buổi làm việc với chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH giai đoạn 2016 - 2021 và thực hiện các biện pháp cấp bách về y tế - xã hội trong phòng chống dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội”.

Số người tham gia BHXH, BHYT tăng qua các năm

Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2019 - 2021, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, hiện có 34 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) của Trung ương; 26 BV và Trung tâm KCB của bộ, ngành trên địa bàn TP; 83 BV (41 BV công lập; 42 BV tư nhân). Hiện nay đã có 36/41 BV thực hiện tự chủ chi thường xuyên.

Mỗi năm, các cơ sở y tế thực hiện trên 10.000 - 11.000 lượt khám bệnh, trong đó chiếm 55% là KCB BHYT. Hơn 4.000 lượt điều trị ngoại trú bao gồm quản lý, điều trị các bệnh mạn tính, thận nhân tạo, phục hồi chức năng…, và trên 1.000 lượt điều trị nội trú.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu tại buổi làm việc.

Thời gian qua, nhận thức của người dân, đơn vị, DN về ý nghĩa, vai trò của chính sách BHXH, BHYT, BHTN, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHXH, BHYT ngày càng được nâng lên. Số người tham gia BHXH, BHYT tăng qua các năm góp phần quan trọng tiến tới bao phủ BHXH, BHYT toàn dân. Trong đó, năm 2019, số người tham gia BHYT là 7.000.171 người, độ bao phủ 88,3%. Năm 2020, số người tham gia BHYT là 7.239.094 người, độ bao phủ 90,1%. Năm 2021, số người tham gia BHYT là 7.482.132 người, độ bao phủ 91,8%.

Về công tác tổ chức KCB BHYT, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Y tế đã liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm bình ổn giá thuốc, tránh việc găm hàng, đầu cơ, tăng giá. Việc cấp thuốc được đảm bảo kịp thời cho người bệnh. Trong đó, cấp phát thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính với thời gian dài hơn, tối đa đến 3 tháng. Tổ chức KCB và cấp phát thuốc BHYT điều trị cho F0 tại nhà. Chuyển thuốc KCB BHYT của bệnh nhân mạn tính tại tuyến trên về tuyến huyện, tuyến xã, phường… hoặc cơ sở KCB tuyến dưới căn cứ đơn thuốc của tuyến trê,n để tiếp tục kê đơn điều trị cho người bệnh khi thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, không để người bệnh bị gián đoạn điều trị.

Qua tổng hợp theo dõi, số lượt điều trị nội trú tuyến TP giảm mạnh (494.095 lượt năm 2021 so với 1.277.800 lượt năm 2019). Tỷ lệ KCB trái tuyến có tăng từ 15,4% năm 2019 tăng lên 33,6% năm 2021. Tỷ lệ chi phí chi cho đối tượng trái tuyến cũng gia tăng tương ứng.

Thực hiện Điều 32, Luật BHYT số 46/2014/QH13 quy định về tạm ứng chi phí KCB BHYT, việc tạm ứng 80% chi phí KCB BHYT theo báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở KCB là chưa đảm bảo đủ 100% chi phí thực tế các đơn vị đã chi trả.

Về công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội đã thực hiện thanh tra công tác KCB BHYT tại 5 BV (BV Đa khoa Xanh Pôn; BV Đa khoa Đống Đa; BV Đa khoa Vân Đình; BV Đa khoa huyện Đan Phượng; BV Đa khoa huyện Phúc Thọ). Còn một số tồn tại trong công tác hồ sơ bệnh án, Sở Y tế đã yêu cầu các BV khắc phục ngay các tồn tại trên.

BHXH TP xây dựng kế hoạch hàng năm, nhằm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai phạm về hành vi vi phạm pháp luật về BHYT. Các đối tượng thanh kiểm tra chủ yếu là đơn vị sử dụng lao động nợ đóng BHXH, BHYT và các cơ sở KCB có dấu hiệu gia tăng chi phí bất thường.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại buổi làm việc.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại buổi làm việc.

Đặc biệt, Sở Y tế đã giải quyết kiểm tra 4 trường hợp người có thẻ BHYT KCB nhiều lần, và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7,5 triệu đồng, chấn chỉnh các cơ sở KCB BHYT liên quan.

BHXH TP kiểm tra các cơ sở KCB trong việc sử dụng, thanh quyết toán quỹ KCB BHYT. Cụ thể, năm 2019, thực hiện kiểm tra 33 cơ sở KCB, số tiền thu hồi về quỹ BHYT là 53,2 tỷ đồng; năm 2020 kiểm tra 53 cơ sở KCB, thu hồi 31,1 tỷ đồng; năm 2021, kiểm tra 26 cơ sở KCB, thu hồi 24,3 tỷ đồng.

Trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 (từ ngày 28/7/2021 tới nay), Hà Nội ghi nhận 1.621.086 trường hợp mắc Covid-19 (chiếm 99,9% tổng số ca bệnh, trung bình nghi nhận 4.104 ca bệnh/ngày), 1.401 trường hợp tử vong, 1.615.875 trường hợp khỏi bệnh. Hiện đang điều trị cho 4.277 trường hợp, trong đó 271 trường hợp điều trị tại bệnh viện (8 trường hợp nặng), còn lại 4.006 trường hợp được quản lý, theo dõi, điều trị tại nhà.

Hiện tại dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát tốt và chuyển sang trạng thái bình thường mới, 579/579 xã, phường, thị trấn cấp độ I (từ ngày 29/4/2022 đến nay). Tuy nhiên, trong những tuần gần đây ghi nhận số mắc bệnh, số nhập viện có dấu hiệu gia tăng, đây là xu hướng đã ghi nhận ở nhiều nơi trên thế giới cũng như các địa phương khác trong cả nước. Nguyên nhân có thể đến từ việc xuất hiện các biến chủng mới của SARS-CoV-2, và sự suy giảm miễn dịch đạt được bằng tiêm chủng theo thời gian.

Về tổng thể, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Hà Nội đã được triển khai hiệu quả, khoa học, kịp thời; tình hình dịch hiện vẫn đang được kiểm soát tốt; công tác thu dung, điều trị bệnh nhân vẫn đang được thực hiện tốt.

Đề nghị xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành Y tế

Liên quan đến lĩnh vực BHXH trên địa bàn TP, Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, ngành bảo hiểm và y tế đã phối hợp đồng bộ để đảm bảo các điều kiện về thanh toán chi phí KCB BHYT cho người dân, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Việc thông tuyến KCB BHYT được chú trọng trong thời gian qua đã giúp cho người dân tiếp cận KCB một cách thuận lợi; tuy nhiên cũng tạo ra áp lực cho ngành bảo hiểm và y tế để nâng cao chất lượng KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho hay,  Sở Y tế đã tham mưu cho TP tích cực và triển khai nhanh chóng các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 30/2021/QH15. Bên cạnh đó, Sở Y tế đã rà soát, báo cáo các khó khăn vướng mắc khi triển khai và đề xuất các phương án xử lý đối với các cơ quan Trung ương, Bộ Y tế về vấn đề mua, quản lý trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng chống dịch, kết hợp với kiểm tra, giám sát để việc thực hiện đạt hiệu quả cao.

Qua buổi làm việc, ngành Y tế Hà Nội mong muốn được Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục có các quy định cụ thể, rõ ràng trong trường hợp dịch bệnh bùng phát để các cơ sở y tế chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đảm bảo an toàn cho cán bộ y tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tránh những rủi ro đem lại, do các cán bộ được đào tạo chủ yếu về ngành y, không được đào tạo chuyên nghiệp về mua sắm, đấu thầu.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cũng đề nghị Bộ Y tế báo cáo Chính phủ xem xét, hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đặt hàng xét nghiệm SARS-CoV-2; hoàn thiện các quy định về đấu thầu thuốc; các quy định cụ thể về giá mua thiết bị, vật tư, sinh phẩm, hóa chất…

Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa nêu ý kiến tại buổi làm việc.
Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa nêu ý kiến tại buổi làm việc.

Đối với nội dung thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế sớm tháo gỡ đối với việc thực hiện tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT được quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP từ 2019 đến nay. Hoàn thiện đồng bộ, thống nhất các Danh mục kỹ thuật, phân loại phẫu thuật thủ thuật, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật tại Thông tư 43/2013/TT-BYT, Thông tư 21/2017/T-BYT, Thông tư 50/2014/TT-BYT và Quyết định 7435/QĐ-BYT danh mục phiên tương đương để khắc phục những vướng mắc của các Thông tư, Quyết định này. Có giải pháp, chính sách căn cơ tháo gỡ cho các cơ sở y tế công lập khi thực hiện tự chủ trong hoàn cảnh nguồn thu chủ yếu vẫn từ KCB BHYT. 

Thay mặt đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai đánh giá rất cao những kết quả của TP Hà Nội cũng như Sở Y tế trong công tác phòng, chống Covid-19. Đồng thời Trưởng đoàn cũng chia sẻ về việc Sở Y tế gặp những khó khăn vướng mắc về thuốc, trang thiết bị y tế. Đây là câu chuyện đã tồn tại từ trước. Trưởng đoàn đề nghị Sở Y tế tiếp tục quan tâm, thêm nhiều biện pháp tuyên truyền về công tác tiêm chủng vaccine Covid-19. Cùng với đó, Sở Y tế có các giải pháp phòng ngừa sớm các sai phạm trong ngành y tế, về mua sắm trang thiết bị y tế…

“Đoàn ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu tại buổi làm việc. Một số kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ sẽ giải quyết. Còn một số kiến nghị thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, thời gian tới, trước khi diễn ra kỳ họp Quốc hội sắp tới, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ có buổi làm việc với Bộ Y tế. Trong đó, Ủy ban các vấn đề xã hội sẽ thúc đẩy giải quyết các kiến nghị của Sở Y tế đã nêu” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai nêu rõ.