Kinhtedothi - Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông liên tiếp đưa thông tin về những vụ oan sai do khâu điều tra thực hiện sai nguyên tắc, điển hình là vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), vụ 5 công an dùng nhục hình khiến anh Ngô Thanh Kiều (Phú Yên) tử vong.
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Đỗ Thị Phượng - Trưởng Bộ môn khoa học điều tra tội phạm và giám định tư pháp, Khoa Pháp luật Hình sự, Đại học Luật Hà Nội.
Tại nhiều nước, người bị điều tra thường được phép có luật sư đi cùng khi thẩm vấn. Ở Việt Nam có quy định tương tự không, thưa bà?
- Trong Bộ Luật tố tụng Hình sự Việt Nam (BLTTHS) đã có một số quy định: Người bào chữa có quyền: "Có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can" (Điểm a Khoản 2 Điều 58) và "Đề nghị Cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can" (Điểm b Khoản 2 Điều 58). Trong Điều 49 BLTTHS và trong các quy định khác của Bộ luật này cũng không có quy định nào về việc bị can phải có nghĩa vụ phải khai báo. Bị can có quyền "trình bày lời khai" (Điểm c Khoản 2 Điều 49) và đã là quyền thì bị can có thể thực hiện hoặc không thực hiện điều đó (tức là im lặng).
Tại sao chúng ta đã có quy định nhưng lại không thể áp dụng vào thực tế?
- Mặc dù đã có quy định nhưng đây là quyền của người bào chữa chứ không có điều luật nào quy định trách nhiệm của cơ quan điều tra bắt buộc phải báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can cho người bào chữa. Vì vậy, nhiều trường hợp người bào chữa đã không thể có mặt khi cơ quan điều tra hỏi cung bị can vì không được báo trước về thời gian và địa điểm. Và như đã nói, trong BLTTHS không có quy định nào về việc bị can phải có nghĩa vụ phải khai báo nhưng Điểm b Khoản 2 Điều 207 của BLTTHS lại quy định chỉ được công bố những lời khai tại cơ quan điều tra trong trường hợp "người được xét hỏi không khai tại phiên tòa".
Như vậy, có thể hiểu bị can phải khai tại cơ quan điều tra, bởi nếu không khai tại giai đoạn này và ở phiên tòa cũng không khai thì Hội đồng xét xử sẽ không có gì để công bố cả. Từ các quy định trên cho thấy sự mâu thuẫn, rườm rà của BLTTHS dẫn đến sự khó khăn cho bị can, bị cáo trong việc nhận thức và hiểu sâu sắc về các quyền của mình khi tham gia tố tụng.
Bên cạnh đó, có những trường hợp cơ quan điều tra chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa tham gia vào quá trình hỏi cung. Thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa còn khá rườm rà. Những tài liệu do người bào chữa thu thập được trong các lần có mặt khi hỏi cung bị can hoặc các tài liệu khác không được coi là chứng cứ và giá trị chứng minh của những tài liệu đó phụ thuộc vào việc cơ quan tiến hành tố tụng có công nhận là chứng cứ hay không…
Có ý kiến cho rằng, nên lắp camera tại các phòng hỏi cung để tránh tình trạng bức cung, nhục hình. Theo bà, giải pháp này có hợp lý?
- Tôi cho rằng, việc lắp camera tại các phòng hỏi cung để tránh tình trạng bức cung, nhục hình có thể làm cho cán bộ thẩm vấn có ý thức, trách nhiệm hơn đối với hoạt động hỏi cung, tôn trọng các quyền của người bị thẩm vấn. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ mang tính tình thế. Điều quan trọng là phải giải quyết tận gốc những bất cập, vướng mắc của pháp luật chứ không phải chỉ giải quyết những phần ngọn, phần hình thức. Bởi cán bộ thẩm vấn có thể dùng các thủ đoạn khác để lấy cung mà không nhất thiết phải bức cung, nhục hình, hoặc có thể sử dụng bức cung, nhục hình ở một phòng khác, nơi khác ngoài phòng hỏi cung.
Để hạn chế tình trạng sử dụng bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra, xét hỏi, theo bà, chúng ta nên bổ sung thêm những quy định gì?
- Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tình trạng xảy ra bức cung, nhục hình là còn có những bất cập từ các quy định của pháp luật. Vì vậy nên sửa đổi, bổ sung một số quy định như: Bỏ trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra (Điều 10 BLTTHS), khi đó cơ quan điều tra chỉ còn nhiệm vụ xác định sự thật vụ án. Khi không còn áp lực bắt buộc phải chứng minh tội phạm, các điều tra viên sẽ không phải tìm mọi cách (trong đó có bức cung, nhục hình) để thu thập chứng cứ từ lời khai của bị can. Trách nhiệm chứng minh tội phạm sẽ thuộc về cơ quan công tố vì cơ quan này có quyền buộc tội thì phải có trách nhiệm chứng minh. Hai là, cần bổ sung nguyên tắc suy đoán vô tội vào trong BLTTHS. Có nghĩa, khi chứng cứ buộc tội không đầy đủ thì cơ quan tiến hành tố tụng phải suy đoán theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo...
Hiện nay, các vụ khởi tố liên quan đến sử dụng bức cung rất ít. Nguyên nhân của tình trạng này là do đâu, thưa bà?
- Đúng là rất khó có đầy đủ chứng cứ chứng minh hành vi sai phạm của người tiến hành tố tụng nếu bị can đơn độc khi bị thẩm vấn. Nếu BLTTHS quy định trong mỗi lần hỏi cung đều phải có mặt của kiểm sát viên và người bào chữa (nếu trong vụ án đó có người bào chữa); Biên bản hỏi cung phải có chữ ký của: Điều tra viên, kiểm sát viên, bị can, người bào chữa (nếu có) thì không những hạn chế được việc bức cung, dùng nhục hình mà còn có thể tránh được những vi phạm tố tụng nghiêm trọng khác trong quá trình hỏi cung...
Xin cảm ơn bà!