Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sớm giải quyết nguyện vọng chính đáng của dân ở khu vực bãi rác Xuân Sơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày qua, người dân xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì lại tiếp tục ra chặn không cho xe chở rác vào khu xử lý rác thải Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây.

Nguyên nhân bắt nguồn từ việc chậm thực hiện kế hoạch đền bù di dời, tái định cư đối với các hộ trong vùng ảnh hưởng của bãi rác so với thông báo tới người dân.

Dựng lều chặn xe rác

Bắt đầu từ sáng 3/8, nhiều người dân của 2 thôn Hiệu Lực, Tam Mỹ, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì đã kéo ra trước cửa ra vào khu xử lý rác thải Xuân Sơn chặn không cho xe chở rác vào tập kết. Thậm chí, người dân còn dựng lều bạt ngay trước cổng khu xử lý rác Xuân Sơn để ngồi gác. Có mặt tại khu vực này, phóng viên chứng kiến cảnh xe chở rác của Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Sơn Tây phải quay đầu xe chở rác ngược ra vì không vào được bãi đổ trước sự ngăn chặn của người dân.
Bãi rác thải Xuân Sơn. Ảnh: Ngọc Tú
Bãi rác thải Xuân Sơn.            Ảnh: Ngọc Tú
Chị Trịnh Thị Tính, thôn Hiệu Lực chia sẻ, việc người dân phải kéo ra chặn xe rác là do chính quyền quá chậm trong việc đền bù, di dời dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng bán kính 500m của bãi rác. “Trước đây, địa phương có thông báo cho chúng tôi là trong tháng 6 giải quyết xong đền bù cho 26 hộ dân tự tái định cư. Trong tháng 7 hoàn thành kiểm đếm đất đai, tài sản cho hơn 100 hộ dân tái định cư còn lại, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì” – chị Tính cho biết.

Trong khi chờ được đến chỗ ở mới cách xa bãi rác, cuộc sống của người dân xung quanh vẫn bị ảnh hưởng hàng ngày bởi ô nhiễm nghiêm trọng từ rác thải. Không chỉ ô nhiễm về không khí, nguồn nước cũng bị ảnh hưởng rõ rệt khiến cho người dân lo lắng về tình trạng sức khỏe. Nhiều người dân cho biết, gia đình phải mắc màn để ăn cơm vì ruồi bay đen kịt trong nhà. Điều đáng nói, lợi dụng khu vực có khu xử lý rác thải, một số hộ dân từ nơi khác còn chở xác lợn, gia súc chết vứt ngoài đường gần khu dân cư, gây ô nhiễm và nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thực tế cho thấy, nhà máy xử lý rác thải hoạt động liên tục, khói lan mù mịt ra ngoài không khí, mùi rác bị đốt sực lên khét lẹt và hôi thối. Những người phụ nữ ngồi chặn xe rác liên tục phải dùng áo chống nắng hay quạt để đuổi ruồi.

Ông Nguyễn Khắc Tâm, một hộ dân thôn Hiệu Lực sống cách bãi rác 450m cho hay, tình trạng ô nhiễm môi trường khiến cho người dân phát sợ nên mới bức xúc kéo nhau ra chặn xe rác. Là một trong những người theo sát kế hoạch đền bù, di dời tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi bãi rác, ông Tâm cho rằng tiến độ triển khai còn quá chậm mặc dù đã quy hoạch được khu tái định cư ở thôn Cẩm Phương, xã Tản Lĩnh. Theo ông Tâm, địa phương cũng ra rất nhiều văn bản nhưng đến nay chưa có bảng giá chi tiết làm cơ sở để đền bù, hỗ trợ GPMB. Trong khi còn nhiều vướng mắc lại không tổ chức họp dân thường xuyên để tháo gỡ nên chưa tạo được sự đồng thuận.

Nguy cơ rác thải ứ đọng

Bị chặn đường vào khu xử lý rác thải Xuân Sơn, nhiều DN, đơn vị vận chuyển rác phải nhanh chóng tìm giải pháp tạm thời để tập kết hết lượng rác thải đã thu gom. Đơn cử như Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Sơn Tây hiện đã thu gom đầy 14 xe ô tô rác và hàng trăm xe gom rác ở khu dân cư với lượng rác mỗi ngày khoảng 80 tấn. Khi  người dân xã Tản Lĩnh chặn xe vào khu xử lý rác thải Xuân Sơn, Công ty đã báo cáo UBND thị xã Sơn Tây tìm biện pháp xử lý. Trong đó đặt vấn đề xin 2 điểm tập kết rác tạm thời tại xã Sơn Đông và Đường Lâm. Ngay sau đó, Thị ủy, UBND thị xã Sơn Tây  đã họp khẩn để tìm phương án ứng phó.

Tuy nhiên, chủ trương đặt điểm tập kết rác tạm thời tại 2 xã Sơn Đông và Đường Lâm đang gặp phải sự phản đối của nhiều người dân địa phương, bởi đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng này. Hồi tháng 3/2016, người dân xã Tản Lĩnh chặn xe rác 21 ngày khiến cho rác thải ùn đọng. Thị xã Sơn Tây phải bố trí 2 điểm tập kết rác tạm thời tại xã Sơn Đông và Đường Lâm nhưng do thời gian tập kết lâu, gây ô nhiễm môi trường nên tạo tâm lý không đồng thuận trong dân. Ông Lê Văn Vũ – Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Sơn Tây cho biết, hiện nay lại đang bước vào mùa mưa bão, nếu rác thải để lâu ngày không được xử lý sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường.

Không chỉ Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Sơn Tây, gần 10 đơn vị vận chuyển rác thải khác cũng như “ngồi trên đống lửa” vì phải xoay xở tìm nơi tập kết rác. Còn nhớ, hồi tháng 3/2016 khi người dân xã Tản Lĩnh chặn xe vào khu xử lý rác thải Xuân Sơn, hàng ngàn tấn rác thải của các huyện, thị xã cũng đã tồn đọng trong các khu dân cư. Do đó, ông Vũ đề nghị, trước mắt, nếu chưa giải quyết, thống nhất được với dân, TP cần phân luồng, điều chỉnh hướng cho đưa rác về bãi rác Nam Sơn xử lý để đảm bảo môi trường.

Sớm giải quyết thỏa đáng

Khu xử lý rác thải Xuân Sơn có diện tích ban đầu 4ha, sau đó được mở rộng thêm 9ha vào năm 2002 và đến nay trước yêu cầu tập kết rác của TP đã phải mở rộng thêm. Toàn bộ khu vực xử lý rác và diện GPMB vùng ảnh hưởng cách bãi rác 500m khoảng hơn 80ha, nằm trên địa bàn 2 xã Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) và Tản Lĩnh (Ba Vì). Khó khăn trong việc đền bù GPMB là việc xác định nguồn gốc đất do phần lớn địa hình là đất đồi núi. Bên cạnh đó, việc định giá tài sản trên đất cũng chưa tìm được sự đồng thuận với người dân.

Ông Bùi Văn Quân – Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh cho biết, sau khi xảy ra sự việc chặn xe rác, lãnh đạo UBND huyện Ba Vì đã xuống hiện trường trao đổi trực tiếp phương án kiểm đếm tài sản với các hộ dân nhưng người dân vẫn không chấp thuận. Theo ông Quân, sở dĩ người dân vẫn chưa chấp thuận bởi họ yêu cầu huyện phải giải quyết ngay tránh tình trạng “thất hứa” như nhiều lần trước. Ngoài ra, người dân cũng đòi hỏi phải chi trả đền bù GPMB cho 5,7ha đất khai hoang giáp ranh với lòng hồ Suối Hai. Tuy nhiên, đến nay, việc xác định mốc giới giữa diện tích đất khai hoang với lòng hồ Suối Hai vẫn chưa được cơ quan chức năng làm rõ.

Thực tế, đa số người dân thuộc bán kính 500m quanh bãi rác Xuân Sơn đều đồng tình với chủ trương của Nhà nước là di dời đến nơi tái định cư. Việc đòi hỏi sớm được giải quyết, di dời của họ là chính đáng bởi ô nhiễm môi trường đang từng ngày ảnh hưởng đến cuộc sống. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Đình Dần – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, cuối tuần qua, UBND huyện đã họp bàn với Sở Xây dựng và Ban Chỉ đạo GPMB TP về phương án đền bù GPMB đối với 130 hộ dân thuộc 3 thôn Hiệu Lực, Tam Mỹ và Hát Giang (xã Tản Lĩnh) đang sinh sống trong vòng bán kính 500m quanh bãi rác Xuân Sơn.

Theo kế hoạch, bắt đầu từ hôm nay (ngày 8/8), huyện Ba Vì phối hợp với Sở Xây dựng, Ban Chỉ đạo GPMB TP tiến hành kiểm đếm. Quan điểm là làm rõ, minh bạch, công khai giá trị tài sản của từng hộ dân, phấn đấu trong thời gian 2 tháng (từ 8/8 – 8/10) sẽ hoàn thành. Không phủ nhận tiến độ GPMB chậm đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân, song theo ông Dần, Ba Vì đang gặp rất nhiều khó khăn trong giải quyết vấn đề này. Bởi thực tế, nhiều hộ dân đã cố tình xây dựng tràn lan, dày đặc nhiều công trình trên diện tích đất của gia đình mình với ý đồ trục lợi kinh phí đền bù GPMB.