Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực nhiếp ảnh, mỹ thuật, điêu khắc và văn hoá. Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh chủ trì hội thảo. Cùng dự có Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thường Tín Tạ Hữu Thọ và Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Công Thản.
Theo thiết kế, tháp Chí Nghĩa nằm ở vị trí phía Nam khuôn viên của dự án gồm 7 tầng nổi xây dựng bằng kết cấu bê tông cốt thép và 1 tầng bán hầm kết hợp các vật liệu truyền thống. Bên trong là hệ thống nội thất thể hiện cuộc đời, thân thế sự nghiệp, công trạng... của Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi.
Các hạng mục phụ trợ bao gồm cảnh quan, sân vườn gồm: Khu mô phỏng điển tích “Ải Nam quan”, khu mô phỏng tích Nguyễn Trãi dâng Bình Ngô Sách tại Lỗi Giang, khuôn viên và bệ tượng Nguyễn Trãi và cha Nguyễn Phi Khanh...
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã có nhiều ý thẳng thắn trao đổi trong việc xây dựng tháp Chí Nghĩa rất cụ thể và sát với thực tế, như: Tên gọi của tháp, vị trí tháp, loại hình kiến trúc, nội thất trưng bày, trang trí bên trong khu vực của tháp...
Đánh giá cao và thống nhất ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự hội thảo, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh khẳng định, tháp Chí Nghĩa là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc.
Bên cạnh đó, còn có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, giáo dục sâu sắc nhằm tôn vinh công trạng của Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Cùng với khu lưu niệm, sau khi hoàn thành, tháp Chí Nghĩa sẽ trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách đến tham quan.
Cũng tại hội thảo, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh đề nghị các cơ quan chuyên môn của huyện lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý các nhà khoa học, đồng thời giao nhiệm vụ cho các đơn vị tập trung nhân lực, vật lực để sớm hoàn thành công trình theo kế hoạch đã đề ra.