Sớm hoàn thiện thể chế về Thừa phát lại

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội là một trong 13 địa phương được chọn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội, và từ tháng 1/2016 chính thức thực hiện chế định TPL trong phạm vi cả nước.

Đến nay, các văn phòng TPL trên địa bàn Hà Nội hoạt động ổn định, song gặp không ít khó khăn.

Theo Sở Tư pháp Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có 8 văn phòng TPL với 31 TPL. Về cơ sở vật chất, các văn phòng TPL đã thực hiện đúng yêu cầu về trụ sở, phương tiện hoạt động theo quy định. Mặc dù thời gian triển khai chưa dài, nhưng qua tổng kết cho thấy, các văn phòng TPL đã hoạt động ổn định. Các công việc chưa đồng đều nhưng bước đầu thu được kết quả khả quan, được xã hội, người dân đón nhận tích cực. Các văn phòng TPL đã chủ động hơn trong công tác tuyên truyền, tích cực đề xuất bổ sung thêm địa hạt tống đạt để đáp ứng nhu cầu công việc. Việc thực hiện chế định TPL trên địa bàn Hà Nội đạt được những kết quả quan trọng, có thể khẳng định mô hình TPL cần thiết cho xã hội, cho hoạt động tư pháp.
Người dân đăng ký sử dụng dịch vụ tại Văn phòng Thừa phát lại Hà Đông. Ảnh: Nguyễn Trọng
Người dân đăng ký sử dụng dịch vụ tại Văn phòng Thừa phát lại Hà Đông. Ảnh: Nguyễn Trọng
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chế định TPL trên địa bàn Hà Nội vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế. Mặc dù UBND TP đã chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan, các cơ quan báo chí, các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TPL bằng nhiều hình thức nhưng nhiều người dân vẫn chưa quen, còn tâm lý e ngại, chưa thật tin tưởng đối với một số việc do TPL thực hiện.

Nhận thức của các cơ quan hữu quan về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của TPL chưa thật rõ ràng, đầy đủ và còn thiếu sự thống nhất, dẫn đến việc triển khai một số công việc để thực hiện chế định này chưa được thông suốt, đồng bộ. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về TPL hiện nay còn thiếu, chưa cụ thể, đồng bộ và hiệu lực chưa cao. Doanh thu chủ yếu của các văn phòng TPL chủ yếu ở việc lập vi bằng và tống đạt văn bản. Số lượng việc xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án còn hạn chế, đặc biệt là việc trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự chưa đáp ứng được mục tiêu giảm tải cho hoạt động thi hành án.

Theo ông Bùi Trọng Hào - Trưởng Văn phòng TPL Hà Đông, do còn mới mẻ với nhiều người dân, kể cả các cơ quan, tổ chức nên trong quá trình hoạt động, các văn phòng TPL gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, mức  chi phí tống đạt văn bản được áp dụng theo Công văn số 138/TANDTC-KHTC của TANDTC hiện nay rất thấp: Trong phạm vi cấp quận nơi đặt văn phòng TPL không quá 65.000 đồng/việc/văn bản; Ngoài phạm vi cấp quận nơi đặt văn phòng TPL không quá 130.000 đồng/việc/văn bản, nên không đảm bảo chi phí trong việc tống đạt văn bản. “Chính vì vậy, chúng tôi đề xuất tăng kinh phí trong khâu thực hiện tống đạt văn bản để giảm khó khăn cho văn phòng TPL. Ngoài ra, cần hỗ trợ tài chính cho hoạt động TPL thông qua chính sách khuyến khích hoạt động như miễn, giảm thuế trong một số năm; hỗ trợ công tác tuyên truyền, in ấn các tài liệu tuyên truyền…” – ông Hào kiến nghị.

Bà Hồ Xuân Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội đánh giá, việc thực hiện chế định TPL trên địa bàn Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng, có thể khẳng định mô hình TPL cần thiết cho xã hội, cho hoạt động tư pháp. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của TPL, đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật về TPL. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự theo hướng điều chỉnh chung các hoạt động mà chấp hành viên và TPL được làm; có một chương riêng quy định về TPL.

Bên cạnh đó, quan tâm hướng dẫn cụ thể về nghiệp vụ cho TPL; thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ và cung cấp tài liệu thực hiện quản lý Nhà nước về TPL, văn phòng TPL; tổ chức hội thảo, trao đổi kinh nghiệm triển khai thực hiện giữa các tỉnh, TP.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 8 văn phòng TPL, gồm: Văn phòng TPL Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Hà Nội, Thủ Đô, Nam Từ Liêm, Đông Dương.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, các văn phòng TPL tống đạt 24.051 văn bản của Tòa án, với tổng số tiền phải thu gần 527 triệu đồng; 1.097 văn bản của cơ quan thi hành án, thu hơn 101 triệu đồng. Đồng thời, đã lập 1.212 vi bằng, thu gần 5,5 tỷ đồng. Triển khai thực hiện 14 vụ việc với tổng số tiền phải thi hành án trên 82 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần