Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sớm khắc phục sự cố nứt đê sông Hồng

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần một tháng sau sự cố nứt đê sông Hồng tại vị trí K46+160 đoạn qua xã Liên Hà (huyện Đan Phượng), các đơn vị có liên quan đang khẩn trương hoàn thiện phương án thi công để tiến tới xử lý, bảo đảm an toàn trước mắt cho tuyến đê cấp I trọng yếu này trong mùa mưa bão 2021.

Sẵn sàng ứng phó sự cố khẩn cấp
Như Kinh tế & Đô thị (các số báo 109 ngày 14/5 và số 111 ngày 16/5) đã thông tin, trong quá trình thi công công trình thu và trạm bơm nước thô (thuộc Dự án nhà máy nước mặt sông Hồng), chủ đầu tư là Công ty CP Nước mặt sông Hồng đã khiến một đoạn đê hữu Hồng thuộc xã Liên Hà bị nứt. Kích thước nứt dọc mặt đê dài 27m, chiều rộng vết nứt từ 1 - 3cm; nứt dọc đường hành lang phía thượng lưu dài 25,8m, chiều rộng vết nứt từ 2,5 - 4cm.
 Vị trí đê hữu Hồng bị nứt tại xã Liên Hà, huyện Đan Phượng. Ảnh: Tùng Nguyễn
Ngay sau khi sự cố nứt đê thuộc bờ hữu sông Hồng xảy ra, UBND huyện Đan Phượng đã phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan tổ chức khắc phục, cắm biển cảnh báo và hạn chế phương tiện qua lại. Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết, hàng ngày, đơn vị cử cán bộ quan trắc diễn biến sự cố. Nhiều ngày qua, vị trí vết nứt không phát sinh thêm.

Trên tinh thần chủ động cao nhất, UBND huyện Đan Phượng cũng đã xây dựng phương án để ứng phó trong tình huống khẩn cấp khi có sự cố xảy ra tại vị trí đê hữu Hồng đang bị nứt. Theo đó, ít nhất 1.400m3 đá hộc, 195 rọ thép, 6.000m3 đất, 1.000m3 cát vàng, cùng với các loại phao, thuyền, máy xúc, máy đầm, máy ủi, nhà bạt, ô tô tải… đã được địa phương chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống.

Bên cạnh vật tư các loại, huyện Đan Phượng cũng đã lên phương án huy động khoảng 300 người, bao gồm lực lượng từ hai cơ quan hiệp đồng để xử lý sự cố trong trường hợp khẩn cấp. “Những năm qua, địa phương từng phải ứng phó với một vài sự cố đê điều nên có những kinh nghiệm nhất định. Dù vậy, để bảo đảm an toàn tuyệt đối trong mùa mưa bão 2021, vẫn cần một phương án khắc phục mang tính kỹ thuật cao hơn từ các cơ quan chuyên môn” - ông Đạt cho hay.

Hoàn thành xử lý trước mùa mưa bão

Vị trí K46+160 đê hữu Hồng được xem là một trong những vị trí trọng điểm phòng, chống thiên tai, không chỉ của huyện Đan Phượng mà còn của vùng Thủ đô. Đây là khu vực dễ bị dòng chảy sông Hồng tác động nhất thuộc tuyến đê hữu Hồng đoạn qua huyện Đan Phượng.

Điều đáng nói, đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy tuyến đê bao phía trong rất yếu, lại chưa từng được thử thách trước lũ lớn. Trong trường hợp không may đê hữu Hồng tại vị trí kể trên gặp sự cố, tuyến đê bao phía trong rất khó trụ vững. Vùng Thủ đô khi đó có thể đứng trước nguy cơ khôn lường.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội Trần Thanh Mẫn cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, đơn vị đã chủ động phối hợp, hướng dẫn Công ty CP Nước mặt sông Hồng xây dựng phương án xử lý. Trước mắt là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tuyến đê cấp I này trong mùa mưa bão 2021.

Liên quan đến tiến độ xây dựng phương án, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nước mặt sông Hồng Phạm Hoa Cương cho biết, đơn vị đã xây dựng xong phương án xử lý. Hiện, phía công ty đang gửi các sở ngành, đơn vị có liên quan xem xét, cho ý kiến thống nhất.

“Sau khi được các đơn vị đồng ý thống nhất về phương án xử lý, chúng tôi sẽ phối hợp với UBND huyện Đan Phượng, các sở ngành có liên quan tổ chức triển khai thi công. Mục tiêu là bảo đảm hoàn thành xong trước cao điểm mùa mưa bão 2021” - ông Cương thông tin thêm.